Để thu thập, phân tích, đánh giá số liệu đo lường các yếu tố trong môi trường lao động tại nơi làm việc, từ đó có biện pháp giảm thiểu tác hại đối với sức khỏe, phòng, chống bệnh nghề nghiệp thì công tác quan trắc môi trường lao động là hết sức cần thiết, góp phần quan trọng cho đảm bảo hiệu quả làm việc, tạo ra môi trường làm việc an toàn và lành mạnh.
Thực tế cho thấy, nếu như môi trường lao động tốt, sức khỏe người lao động được chăm sóc tốt, sẽ giúp kích thích sản xuất, tăng năng suất lao động. Ngược lại, nếu môi trường lao động bị ô nhiễm, điều kiện lao động không tốt sẽ làm ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động, gây bệnh Nghề nghiệp, chấn thương, tai nạn...
Bác sỹ Lăng Thị Lánh - Trưởng khoa Sức khỏe môi trường - Y tế trường học - bệnh nghề nghiệp (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Kạn) cho biết: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật được Bộ Y tế, Sở Y tế Bắc Kạn công bố là cơ sở đủ điều kiện quan trắc môi trường lao động và được cấp phép khám, điều trị bệnh nghề nghiệp (thuộc danh mục các cơ sở đủ điều kiện, được phép Quan trắc môi trường lao động và khám sức khỏe định kỳ bệnh nghề nghiệp, điều trị bệnh nghề nghiệpđăng trên Wedsite của Bộ Y tế).Hằng năm đơn vị đã xây dựng kế hoạch và triển khai theo đúng quy định quan trắc môi trường lao động tại các cơ sở, đơn vị doanh nghiệp. Sức khỏe người lao động thường chịu tác động bởi các yếu tố nguy cơ trong môi trường lao động như: Nhiệt độ, độ ẩm, tốc độ gió,…; các yếu tố hóa học: Chì, axit, kiềm, CO, CO2,…; bụi: Silic,…); yếu tố sinh học: Vi khuẩn, vi rút, nấm mốc; … Quan trắc môi trường lao động là công cụ đắc lực giúp giám sát, kiểm tra, thu thập, đánh giá các yếu tố trong môi trường tại nơi làm việc rất hiệu quả. Theo quy định mọi cơ sở lao động phải tổ chức quan trắc môi trường lao động để đánh giá yếu tố có hại ít nhất một lần trong một năm.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnhBắc Kạn thực hiện quan trắc môi trường lao động tại tại lò Bằng Mức + 600 Chi nhánh kim loại màu Bắc Kạn, xã Bản Thi huyện Chợ Đồn
Với các thiết bị đo hiện đại, thời gian qua, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã thực hiện quan trắc tại những vị trí lao động có nguy cơ phát sinh các yếu tố nguy hại cho người lao động đảm bảo chính xác, khách quan. Phương pháp quan trắc, như: Đo các chỉ số vi khí hậu, bụi toàn phần, ồn chung, ồn có phân tích các giải tần số, ánh sáng, hơi khí độc, phóng xạ, tại các vị trí kỹ thuật theo phương pháp “Thường quy kỹ thuật của Viện Sức Khỏe Nghề Nghiệp và môi trường, Bộ Y tế năm 2012”.
Việc thực hiện đo kiểm, đánh giá các yếu tố trong môi trường lao động giúp phát hiện kịp thời các yếu tố có hại cho sức khỏe của người lao động như chất độc, hơi độc, bụi, nhiệt độ, độ ẩm và ánh sáng. Kết quả quan trắc môi trường lao động là cơ sở dữ liệu khoa học để đưa ra biện pháp giảm thiểu tác hại đối với sức khỏe, phòng, chống bệnh nghề nghiệp, đảm bảo an toàn cho người lao động.
Theo Luật An toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ), người sử dụng lao động phải tổ chức đánh giá, kiểm soát yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc để đề ra các biện pháp kỹ thuật an toàn, vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe cho người lao động; thực hiện các biện pháp khử độc, khử trùng cho người lao động làm việc ở nơi có yếu tố gây nhiễm độc, nhiễm trùng.
Quan trắc môi trường lao động là một phần quan trọng của việc tuân thủ quy định pháp luật về an toàn và bảo vệ sức khỏe lao động. Các tổ chức và doanh nghiệp cần tuân thủ nghiêm chỉnh các tiêu chuẩn và quy định liên quan đến môi trường làm việc và quản lý rủi ro. Quan trắc môi trường lao động còn giúp nâng cao hiệu suất và chất lượng công việc. Một môi trường làm việc an toàn, lành mạnh và thoải mái có ảnh hưởng rất lớn đến hiệu suất và chất lượng làm việc.
Với tầm quan trọng đó, các cơ sở lao động cần thực hiện quan trắc môi trường lao động định kỳ. Nếu không thực hiện theo quy định sẽ bị xử phạt theo điều 26, Nghị định 28/2020/NĐ-CP của Chính phủ về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quan trắc môi trường lao động./.
Bài và ảnh: Phương Thào (CDC)