Hiện nay đang bước vào giai đoạn nắng nóng của mùa hè, là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, virus gây mầm bệnh phát triển. Trong đó trẻ em là đối tượng có hệ miễn dịch chưa phát triển hoàn thiện nên rất dễ mắc các bệnh liên quan mà cha mẹ cần lưu ý.
Một số căn bệnh thường gặp ở trẻ vào mùa hè là : Viêm long hô hấp, bệnh tay – chân – miệng, thủy đậu, sốt virus, tiêu chảy cấp, viêm não Nhật Bản, sốt xuất huyết.
Trẻ em dễ mắc bệnh do hệ miễn dịch chưa phát triển hoàn thiện
Viêm long hô hấp trên gồm các triệu chứng : sốt, hắt hơi, ngạt mũi, chảy mũi, đau rát họng, khàn tiếng, mệt mỏi, đau mỏi cơ,…
Bệnh tay chân miệng với các biểu hiện ban đầu sốt nhẹ, đau họng, miệng, chảy nước miếng, biếng ăn, trẻ nhỏ có thể quấy khóc, bỏ bú, sau đó xuất hiện vết loét đỏ ở miệng, vòm miệng, lợi, lưỡi, kèm theo vết phát ban dạng phỏng nước, hoặc vết nổi cộm trên da ở lòng bàn tay, bàn chân, đầu gối, mông trẻ.
Thủy đậu là bệnh do vius Varicella Zoster gây bệnh. Thời gian ủ bệnh 7-10 ngày, giai đoạn khởi phát xuất hiện sốt, viêm long hô hấp, sau đó xuất hiện nốt mụn nước trên da rải rác toàn thân. Nếu xuất hiện nhiều nốt hoặc có kèm mụn mủ thường là dấu hiệu nặng.
Sốt virus thường biểu hiện sốt cao, đau mỏi người, đau đầu, viêm long hô hấp, hắt hơi, sổ mũi. Sốt virus diễn biến lành tính trong 3 -5 ngày, điều trị chủ yếu hạ sốt, bù nước điện giải bằng đường uống, chăm sóc mũi họng tốt để hạn chế bội nhiễm.
Tiêu chảy cấp gặp ở mọi lứa tuổi nhưng khoảng 80% xảy ra ở trẻ dưới 2 tuổi. Nguyên nhân tiêu chảy có thể do vi khuẩn ( lỵ, thương hàn, tả,.. ), virus, nấm, ký sinh trùng, đường ruột. Việc điều trị quan trọng là đánh giá mức độ mất nước và bù nước điện giải bằng đường uống bằng dung dịch Oresol. Việc truyền dịch chỉ thực hiện khi có mất nước nặng, nôn nhiều không thể uống được, hoặc đi ngoài rất nhiều không thể bù kịp bằng đường uống. Việc sử dụng kháng sing, men tiêu hóa cần có sự chỉ định của bác sỹ, tuyệt đối không tự ý dùng thuốc trị tiêu chảy.
Viêm não Nhật Bản: gặp chủ yếu ở trẻ dưới 15 tuổi, bệnh do virus Arbo gây ra, được muỗi truyền từ súc vật sang người. Biểu hiện thường gặp là: sốt cao, đau đầu, nôn, rối loạn ý thức, co giật và hôn mê nhanh chóng. Khi trẻ có biểu hiện trên cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế để được điều trị kịp thời, hạn chế tỷ lệ tử vong và di chứng sau này. Biện pháp phòng bệnh là tiêm phòng vaccin Viêm não Nhật Bản.
Trên đây là một số bệnh thường gặp ở trẻ em trong mùa hè, các bậc cha mẹ cần lưu ý, cần giữ vệ sinh trẻ sạch sẽ, chế biến thức ăn đảm bảo vệ sinh, chế độ dinh dưỡng đầy đủ, tránh thay đổi đột ngột từ điều hòa ra môi trường bên ngoài, không đưa trẻ đến nơi đông người, đi học khi có biểu hiện sốt, chảy mũi, ngại mũi hoặc biểu hiện các bệnh dễ lây nhiễm, không tự ý mua thuốc để điều trị tránh điều trị không đúng hoặc làm nặng bệnh hơn mà cần tới cơ sở y tế để được khám và điều trị đúng bệnh và kịp thời.
Lành Thị Thu (Trung tâm Y tế thành phố)
Thời gian qua, công tác quản lý, điều trị bệnh nhân mắc bệnh tâm thần tại cộng đồng trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã giúp cho người bệnh tâm thần được điều trị và chăm sóc ngay tại gia đình, giảm tải cho các cơ sở điều trị chuyên khoa. Đồng thời, góp phần phát hiện sớm, điều trị kịp thời cho người bệnh ngay từ giai đoạn đầu.
Sinh năm 1979, anh B.T.D trú tại thôn Nà Mằm, xã Khang Ninh, huyện Ba Bể đã có tiền sử mắc bệnh tâm thần phân liệt gần 30 năm nay. Thời gian đầu anh được điều trị tích cực tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh Thái Nguyên, sau khi bệnh ổn định, anh tiếp tục được quản lý điều trị tại Trạm Y tế xã Khang Ninh.
Gần 30 năm nay, anh B.T.D cứ kiên trì uống thuốc tại nhà theo chỉ dẫn của cán bộ y tế. Sức khỏe ổn định, anh B.T.D lấy vợ, sinh con và chịu khó làm ăn, phát triển kinh tế gia đình như bao người khác.
Cán bộ Y tế xã Khang Ninh (huyện Ba Bể) tư vấn sức khỏe tại nhà cho người bệnh
Trên địa bàn xã Khang Ninh, hiện có 6 bệnh nhân tâm thần được theo dõi sức khỏe, tái khám và cấp phát thuốc định kỳ hàng tháng tại trạm y tế.
Để thực hiện tốt hoạt động bảo vệ sức khỏe tâm thần cộng đồng, Trạm tập trung tuyên truyền nâng cao ý thức đến người bệnh và gia đình họ; phối hợp với các thôn, xóm, y tế thôn bản, thực hiện rà soát để phát hiện các đối tượng bị bệnh tâm thần, nhằm kịp thời tư vấn, điều trị.
Tại huyện Ba Bể, hiện đang quản lý 175 bệnh nhân mắc bệnh tâm thần tại cộng đồng theo chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có 71 bệnh nhân tâm thần phân liệt, động kinh 92, trầm cảm 12 người. Tất cả các bệnh nhân trên đều được trung tâm y tế lập hồ sơ quản lý, theo dõi sát sao, cán bộ y tế ở các trạm thường xuyên đến tại gia đình kiểm tra sức khỏe, nhắc nhở uống thuốc, hướng dẫn các liệu pháp điều trị… Nhiều bệnh nhân tiến triển tốt, hòa nhập, tham gia tích cực các hoạt động tại cộng đồng.
BSCKI Khổng Văn Bình (Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Ba Bể) cho biết: “Trung tâm luôn quan tâm tới công tác quản lý, điều trị, chăm sóc bệnh nhân tâm thần tại cộng đồng; lập hồ sơ bệnh án và chỉ định thuốc ngoại trú cho người bệnh tâm thần. Định kỳ hàng tháng, các bác sĩ của Trung tâm khám, kê đơn cấp thuốc điều trị cho người bệnh theo quy định. Đặc biệt, luôn xử trí kịp thời những người bệnh tái phát, người bệnh mới phát hiện trên địa bàn”.
Đến nay, hoạt động bảo vệ sức khỏe tâm thần tại cộng đồng được triển khai tới 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh. Song thực tế cho thấy trong quá trình triển khai thực hiện, vẫn còn gặp nhiều khó khăn thách thức.
Đâu đó, vẫn còn xảy ra sự kỳ thị, xa lánh với bệnh nhân tâm thần; những căn bệnh tâm thần của thời đại như stress, trầm cảm, tự kỉ…chưa được quan tâm đúng mức tại cộng đồng; bệnh tâm thần là là bệnh mãn tính dễ tái phát vì vậy phải uống thuốc điều trị lâu dài, kiên trì.
Nhiều gia đình không quan tâm, chăm sóc khiến bệnh nhân bỏ thuốc, bệnh tái phát và tiến triển ngày càng nặng; Công tác quản lý bệnh nhân tâm thần nặng, rối loạn tâm trí cũng khó được quản lý.
Nhiều người mắc bệnh nặng bị gia đình bỏ rơi, dẫn tới bỏ đi lang thang gây rối, đập phá làm mất an ninh trật tự, mỹ quan đô thị, thậm chí còn gây nguy hiểm đến tính mạng cho người thân, gia đình và cộng đồng nơi đối tượng sinh sống…
Do đó, để giúp các gia đình giảm bớt khó khăn, gánh nặng trong việc quản lý, chăm sóc đối tượng bệnh nhân tâm thần; trợ giúp đối tượng thụ hưởng các chính sách trợ giúp xã hội của Nhà nước, bố trí các hình thức chăm sóc, phục hồi thể chất cho đối tượng, rất cần sự chung tay của cả cộng đồng, đặc biệt là các cấp, các ngành trong việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn nhân lực... để công tác tác khám, chữa bệnh cho người tâm thần được đáp ứng kịp thời, sự quan tâm động viên, thấu hiểu của gia đình và người thân chính là “liều thuốc” giúp họ sớm ổn định cuộc sống và tái hòa nhập cộng đồng./.
Kim Cúc (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)
.
Trang thông tin điện tử Sở Y tế tỉnh Bắc Kạn
Tên cơ quan chủ quản: Sở Y tế tỉnh Bắc Kạn
Điện thoại :(+84).2093.870.580 - Fax : (+84).2093.873.585
Địa chỉ: Tổ 7- phường Đức Xuân - thành phố Bắc Kạn - Tỉnh Bắc Kạn
Địa chỉ mail: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.
Trưởng Ban biên tập: Ông Nguyễn Thanh Hà - Phó Giám đốc Sở Y tế