Leo Magazine - шаблон joomla Окна

Trước tình hình dịch bệnh Đậu mùa khỉ xuất hiện ở các nước lân cận và trong khu vực có xu hướng gia tăng. Và Việt Nam đã ghi nhận ca mắc bệnh Đậu mùa khỉ đầu tiên. Để bảo vệ an toàn sức khỏe cho nhân dân, Bộ Y tế khuyến cáo mọi người dân cầnchủ động ngăn chặn lây nhiễm dịch bệnh Đậu mùa khỉ.

6157fbc4ed9e2ac0738f

Khuyến cáo người dân thực hiện 6 biện pháp phòng ngừa lây nhiễm bệnh

Đậu mùa khỉ (BYT)

6 biện pháp phòng chống dịch bệnh Đậu mùa khỉ, như sau:

1. Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp; rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn ngay sau khi ho, hắt hơi. Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.

2. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay.

3. Người có triệu chứng phát ban cấp tính không rõ nguyên nhân kèm theo một hoặc nhiều triệu chứng nghi ngờ cần chủ động liên hệ với cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời. Đồng thời, cần chủ động tự cách ly, tránh quan hệ tình dục.

4. Tránh tiếp xúc gần với người mắc bệnh đậu mùa khỉ, tránh tiếp xúc trực tiếp với những vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh. Trong trường hợp nơi ở/nơi làm việc có người mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh, cần thông báo cho cơ quan y tế để được tư vấn và xử trí kịp thời, không tự ý điều trị.

5. Người đến các quốc gia có lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ (khu vực Trung và Tây Phi), cần tránh tiếp xúc với động vật có vú (chết hoặc sống) như: động vật gặm nhấm, thú có túi, động vật linh trưởng có thể chứa vi rút đậu mùa khỉ. Khi quay trở về Việt Nam cần chủ động khai báo với cơ quan y tế địa phương để được tư vấn.

6. Đảm bảo an toàn thực phẩm; thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe./.

Sầm Hiền

Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Bắc Kạn

Ngày 03/10/2022, Bộ Y tế đã chính thức thông báo ghi nhận ca bệnh Đậu mùa khỉ đầu tiên tại Việt Nam. Ngay sau khi Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh báo cáo về kết quả xét nghiệm giải trình tự gen khẳng định một bệnh nhân mắc bệnh Đậu mùa khỉ chủng Monkeypox vi rút thuộc clade Iib,trên bệnh nhân nữ 35 tuổi, thường trú tại TP. Hồ Chí Minh.

6ed57c83f5dd32836bcc

Hình ảnh nốt phỏng trên da của bệnh nhân mắc bệnh Đậu mùa khỉ (BYT)

Bệnh nhân khởi phát bệnh từ ngày 18/9/2022 khi đang du lịch tại Dubai từ tháng 7/2022 trở về Việt Nam ngày 22/9/2022.Bệnh biểu hiện với các triệu chứng: sốt kèm mệt mỏi, ớn lạnh, đau cơ, đau đầu và ho, trên da xuất hiện các nốt đỏ, ngứa vùng da trên cánh tay, thân mình và mặt.

Ngày 23/9/2022, bệnh nhân đã đến khám tại Bệnh viện Từ Dũ vớinghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm, được chuyển sang Bệnh viện Da liễu TP. Hồ Chí Minh. Tại đây, bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân mắc bệnh Đậu mùa khỉ, nên đã cách ly bệnh nhân, lấy mẫu xét nghiệm chẩn đoán (xét nghiệm Real time PCR tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới và Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh).

Ngày 25/9/2022, bệnh nhân có kết quả ban đầu dương tính với bệnh Đậu mùa khỉ và được chuyển sang Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh để tiếp tục cách ly, điều trị và lấy mẫu giải trình tự gen tại Đơn vị nghiên cứu lâm sàng của Trường đại học OXFORD hợp tác với Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh.

Ngay khi nhận được thông tin bệnh nhân nghi ngờ mắc bệnh Đậu mùa khỉ, Bộ Y tế đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tiếp tục đẩy mạnh triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, khẩn trương làm xét nghiệm giải trình tự gen và tiếp tục điều tra dịch tễ, xử lý ổ dịch, cách ly, điều trị bệnh nhân theo hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế. Đồng thời Bộ Y tế đã đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Đậu mùa khỉ.

Hiện tại, bệnh nhân sức khỏe ổn định, không sốt, đang được tiếp tục cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Với những thông tin khai thác được qua điều tra dịch tễ, cùng với kết quả xét nghiệm Real time PCR, giải trình tự gen, Bộ Y tế nhận định đây là trường hợp mắc bệnh Đậu mùa khỉ, có nguồn lây từ nước ngoài; các trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân tại Việt Nam (kể từ khi về nước) đều được giám sát, theo dõi theo quy định và hiện chưa phát hiện trường hợp nghi nhiễm. Triển khai công tác phòng, chống bệnh Đậu mùa khỉ./.

(Thông tin cập nhật từ Vụ Truyền thông và Thi đua-Khen thưởng, Bộ Y tế)

Sầm Hiền

Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Bắc Kạn

 

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Kạn, đến 18/8/2022, tổng vắc xin đã tiếp nhận 753.632 liều/753.632 liều vắc xin được phân bổ. Tổng số mũi tiêm trên địa bàn tỉnh tính đến hiện tại là 759.047 mũi. Riêng trong ngày 18/8 tiêm được 5.700 mũi. Nâng tiến độ tiêm so với vắc xin được phân bổ đạt 100,71%.Trong quá trình tổ chức tiêm ở các đơn vị y tế không có trường hợp phản ứng nặng sau tiêm.

A1

Ảnh: Bác sỹ Vi Duy Tuyến – Phó Giám đốc Sở Y tế, thăm hỏi người cao tuổi đến tiêm vắc xin nhắc lại trong đợt giám sát điểm tiêm Trạm y tế xã Nông Thượng, TP. Bắc Kạn

Riêng trong ngày 18/8 toàn tỉnh tiêm 4.161 mũi cho người có độ tuổi trên 18 tuổi, nâng tỷ lệ tiêm mũi 1 đạt 99,54%; tỷ lệ tiêm mũi 2 đạt 97,47%; Tỷ lệ tiêm mũi 3/số đối tượng đã tiêm đủ 2 mũi đạt 86,91%, tỷ lệ tiêm mũi 3/số đối tượng đủ thời gian tiêm đến 31/8 đạt95.58%;Tỷ lệ tiêm mũi 4 đạt 76,88%; Tổng mũi tiêm bổ sung là14.475.

A2

Ảnh: Kiểm tra sức khỏe trước khi tiêm vắc xin

A3

Ảnh: Tăng tiến độ tiêm vắc xin mũi nhắc lại tại các điểm tiêm

Đối với độ tuổi từ 12 đến 17 tuổi, trong ngày tiêm 632 mũi, nâng tỷ lệ tiêm mũi 1 đạt 99,52%, tỷ lệ tiêm mũi 2 là 95,35%, tỷ lệ tiêm mũi tiêm mũi 3 đạt 63,64%.

Đối với trẻ từ 05 tuổi đến 12 tuổi, trong ngày tiêm được 907 mũi, nâng tỷ lệ tiêm mũi 1 đạt 85,85%, tỷ lệ tiêm mũi 2 là 72,03%.

A4

Ảnh: Đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi trên địa bàn tỉnh

Theo Cục Y tế dự phòng, hiện nay, dịch COVID-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Trên thế giới, biến thể Omicron đang chiếm ưu thế so với các biến thể khác; trong đó đã ghi nhận các biến thể phụ như BA.4, BA.5, mới nhất là các biến thể dòng phụ thế hệ thứ hai của biến thể Omicron như BA.2.74, BA.2.75, BA.2.76, các biến thể phụ có khả năng lây lan nhanh hơn so với biến thể gốc và có thể làm gia tăng số ca mắc trở lại.

Tại Việt Nam, Theo thống kê của Bộ Y tế, trong 7 ngày qua (từ 10-17/8), cả nước có 14.490 ca mắc COVID-19 mới, trong đó ngày đỉnh điểm số ca mắc lên đến gần 3.000, cao nhất trong hơn 3 tháng qua ở nước ta.

Tại tỉnh Bắc Kạn, thời gian qua trên địa bàn tỉnh liên tục ghi nhận các ca lây nhiễm trong cộng đồng, trung bình mỗi ngày ghi nhận hàng chục trường hợp mắc mới. Tổng số ca mắc mới hiện đang theo dõi, điều trị là 73 trường hợp.

Việc tăng cường triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho người dân đạt tỷ lệ cao,  góp phần tạo miễn dịch cộng đồng, trước nguy cơ xâm nhập của đại dịch COVID-19.

Viêm gan vi rút là một trong những căn bệnh truyền nhiễm phổ biến và nguy hiểm nhất hiện nay, gây ra hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe và tử vong do các biến chứng của bệnh. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ước tính, mỗi năm thế giới có khoảng 1,45 triệu người tử vong do virus B gây ra. Con số này còn nhiều hơn cả tổng số người tử vong do mắc sốt rét, lao hay HIV/AIDS.

Ảnh 1: Tiêm vắc xin phòng bệnh truyền nhiễm

Với mục tiêu chung là giảm lây truyền vi rút viêm gan và tăng khả năng tiếp cận của người dân với các dịch vụ dự phòng, chẩn đoán, điều trị và chăm sóc bệnh viêm gan vi rút; thực hiện Kế hoạch số 267/KH-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phòng chống viêm gan vi rút trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2022-2025, Sở Y tế đã xây dựng và triển khai kế hoạch số 1581/KH-SYT, ngày 16/5/2022 về phòng chống viêm gan vi rút ngành Y tế trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2022-2025.

Để đạt các mục tiêu: Về dự phòng lây nhiễm vi rút viêm gan; tiếp cận chẩn đoán, điều trị viêm gan vi rút; truyền thông nâng cao nhận thức xã hội và vận động chính sách về viêm gan vi rút nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng trong dự phòng và điều trị bệnh viêm gan vi rút và dự phòng ung thư gan..., ngành Y tế Bắc Kạn đã đưa ra những nội dung thực hiện cụ thể:

Tăng cường các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho Chính quyền địa phương và các đoàn thể về sự nguy hiểm của bệnh viêm gan vi rút. Huy động sự tham gia của cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể các cấp phối hợp với ngành y tế triển khai thực hiện công tác phòng chống viêm gan vi rút.

Đa dạng các hình thức truyền thông về phòng, chống viêm gan vi rút. Nội dung truyền thông tập trung vào phòng chống các yếu tố nguy cơ của nhiễm vi rút viêm gan, các thông điệp về dự phòng lây nhiễm, xét nghiệm và điều trị viêm gan vi rút để ngăn ngừa biến chứng, trong đó có xơ gan và ung thư gan.

Tăng cường các hoạt động dự phòng, giảm lây nhiễm vi rút viêm gan, gồm các nội dung: Tăng tỷ lệ tiêm vắc xin viêm gan B, tiêm vắc xin viêm gan B liều sơ sinh trong vòng 24 giờ sau sinh theo hướng dẫn của Bộ Y tế, giảm thiểu hoãn tiêm không phù hợp; triển khai tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch 3 liều vắc xin viêm gan B cho trẻ dưới 01 tuổi theo đúng lịch tiêm chủng; tiêm phòng cho các nhóm người trưởng thành có nguy cơ cao - nhân viên y tế làm việc tại các cơ sở khám chữa bệnh có HBsAg âm tính

Triển khai các hoạt động dự phòng lây truyền vi rút viêm gan B từ mẹ sang con theo kế hoạch loại trừ ba bệnh HIV, giang mai và viêm gan B lây truyền từ mẹ sang con của Bộ Y tế; Kiểm soát nhiễm khuẩn trong cơ sở y tế; thành lập phòng xét nghiệm sàng lọc vi rút viêm gan B, C bằng kỹ thuật NAT trong chương trình an toàn truyền máu...

Ảnh 2: xét nghiệm vi rút viêm gan B tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật

Về tiếp cận chẩn đoán, điều trị viêm gan vi rút: Thực hiện mở rộng dịch vụ xét nghiệm vi rút viêm gan B, C tại Trạm y tế, mở rộng dịch vụ xét nghiệm tải lượng vi rút tại các cơ sở y tế tuyến tỉnh, lồng ghép các dịch vụ xét nghiệm viêm gan B, C với các dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV; Xây dựng mạng lưới phòng xét nghiệm viêm gan vi rút, triển khai áp dụng hướng dẫn xét nghiệm viêm gan vi rút B, C do Bộ Y tế ban hành trong chẩn đoán và điều trị;

Định kỳ cập nhật hướng dẫn quốc gia về chẩn đoán và điều trị bệnh viêm gan vi rút theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới. Mở rộng điều trị HIV/HCV theo hướng quản lý ca bệnh đồng nhiễm HIV/HCV được lồng ghép trong quy trình quản lý điều trị cho người nhiễm và người phơi nhiễm với HIV.

Để triển khai Kế hoạch phòng chống Viêm gan vi rútngành Y tế trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2022-2025 đạt mục tiêu đề ra, Sở Y tế yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, tham mưu cho Sở Y tế xây dựng Kế hoạch phòng chống Viêm gan vi rút và công tác chỉ đạo chuyên môn trên địa bàn toàn tỉnh đảm bảo chất lượng, hiệu quả; xây dựng và triển khai mô hình cung cấp dịch vụ toàn diện bao gồm xét nghiệm chẩn đoán, quản lý điều trị và dự phòng.

Tổ chức tập huấn cho các cán bộ y tế làm công tác xét nghiệm tuyến tỉnh, tuyến huyện các phương pháp/kỹ thuật mới trong xét nghiệm chẩn đoán viêm gan vi rút; tăng cường hệ thống đảm bảo chất lượng và năng lực phòng xét nghiệm các tuyến, hướng dẫn chuyên môn giám sát, phòng chống bệnh, chẩn đoán, chăm sóc và điều trịcho các cơ sở y tế; tăng cường tuyên truyền vận động người dân tiêm chủng phòng bệnh, thực hiện nếp sống lành mạnh và các biện pháp phòng bệnh khác các biện pháp phòng, chống viêm gan vi rút trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm truyền tải thông tin đến với người dân; tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện theo quy định./.

Phương Thào

Nhằm tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm; ngày 29/3/2022, Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP tỉnh Bắc Kạn triển khai “Tháng hành động vì ATTP” năm 2022 trên địa bàn tỉnh với chủ đề: “Tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng nông sản thực phẩm trong tình hình mới”.

Ảnh: Quảng bá mô hình thực phẩm sạch tại Hội thi tuyên truyền về kiến thức pháp luật ATTP tại phường Huyền Tụng, thành phố Bắc Kạn.

Những năm qua, công tác đảm bảo ATTP trên địa bàn tỉnh luôn được quan tâm, triển khai, thực hiện. Cùng với sự vào cuộc của các sở, ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh và chính quyền các cấp đã được triển khai đồng bộ thông qua nhiều giải pháp nhằm đảm bảo ATTP trên địa bàn.

Các hoạt động bảo đảm ATTP đã được tăng cường hơn so với giai đoạn trước ở cả ba tuyến tỉnh, huyện, xã thông qua việc đa dạng hoá các hoạt động truyền thông; đẩy mạnh thanh, kiểm tra, hậu kiểm, phát hiện và xử lý nhiều hơn các vi phạm về ATTP…, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức của người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng trong lựa chọn và sử dụng thực phẩm.

Tuy nhiên, hiện nay việc sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ vẫn còn đang diễn ra; thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng, không bảo đảm an toàn vẫn còn lưu thông ngoài thị trường; số lượng các hộ sản xuất nông sản thực phẩm nhỏ lẻ còn lớn; quy mô sản xuất manh mún nhỏ lẻ, khó áp dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ cũng như quy trình, quy phạm, các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến vào trong sản xuất khiến tăng nguy cơ mất an toàn thực phẩm…

Việc triển khai “Tháng hành động vì ATTP” tại tỉnh năm 2022 nhằm mục tiêu: Tăng cường công tác thông tin, truyền thông chính xác, kịp thời, toàn diện, có trách nhiệm, trung thực các vấn đề liên quan đến ATTP; tăng cường truyền thông quảng bá sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản đảm bảo chất lượng, an toàn. Đề cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật về ATTP; Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát ATTP nông lâm thủy sản; kiểm tra, giám sát về ATTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm; nêu cao vai trò của chính quyền các cấp, các cơ quan quản lý, tổ chức xã hội và sự giám sát của người tiêu dùng đối với việc tuân thủ pháp luật về ATTP đối với các cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Tăng cường xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về ATTP và giảm thiểu ngộ độc do tiêu dùng thực phẩm không an toàn.

 Tháng hành động được triển khai trên địa bàn toàn tỉnh từ ngày 15/4 đến 15/5/2022. Trong đó, tổ chức triển khai đồng bộ các hoạt động từ tuyến tỉnh đến huyện và xã trong Tháng hành động. Gắn trách nhiệm của UBND các cấp để tập trung sự chỉ đạo và bố trí nguồn lực cho công tác ATTP; nâng cao hiệu quả sự phối hợp giữa chính quyền ở địa phương với các cơ quan chức năng và các đoàn thể chính trị xã hội trong công tác bảo đảm ATTP; phát huy ý thức trách nhiệm đối với cộng đồng của tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh, người tiêu dùng trong công tác bảo đảm ATTP.

Tháng hành động là điểm nhấn trong năm, tạo nên đợt cao điểm, phát động chiến dịch truyền thông nhằm tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về ATTP trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm; giảm thiểu các hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm; chủ động phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm, hạn chế tối đa ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể và các bệnh truyền qua thực phẩm do sử dụng sản phẩm thực phẩm không an toàn.

Công tác kiểm tra về an toàn thực phẩm trong “Tháng hành động” cũng được tăng cường tiến hành kiểm tra thực tế tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm trên địa bàn. Tại tuyến huyện và tuyến xã sẽ tổ chức các đoàn kiểm tra theo kế hoạch xây dựng và các nội dung hướng dẫn.

Để triển khai “Tháng hành động vì ATTP” năm 2022 trên địa bàn tỉnh, Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP tỉnh giao nhiệm vụ cụ thể tới các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thành phố tích cực thực hiện nhằm đạt hiệu quả các mục tiêu đã đề ra.

Quỳnh Giao

Cùng với sự nỗ lực của toàn ngành Trung tâm đã từng bước nâng cao chất lượng hoạt động giám định pháp y và giám định y khoa, nghiên cứu và sử dụng những kiến thức tiến bộ về y học để phục vụ pháp luật, góp phần giữ vững an ninh, trật tự xã hội trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.

Ảnh: Cán bộ Trung tâm Pháp y và Giám định y khoa tỉnh Bắc Kạn phối hợp hoàn thiện hồ sơ giám định

Trung tâm Pháp y và Giám định y khoa tỉnh Bắc Kạn được thành lập theo Quyết định số1647/QĐ-UBND ngày 06/9/2021 của UBND tỉnh Bắc Kạn,trên cở sở sáp nhập Trung tâm Pháp y và Trung tâm Giám định Y khoa, là đơn vị sự nghiệp Y tế công lập trực thuộc Sở Y tế có chức năng tổ chức thực hiện giám định pháp y và giám định y khoa trên địa bàn tỉnh.

Trong công tác giám định Pháp y và Giám định y khoa đảm bảo tính trung thực, khách quan và chính xác, kịp thời với thời gian nhanh nhất nhằm giúp các cơ quan trưng cầu xử lý vụ việc được nhanh chóng, không để xảy ra các vụ khiếu nại, khiếu kiện của nhân dân về tỉ lệ phần trăm tổn thương cơ thể. Trung tâm thực hiện tốt nhiệm vụ được giao như giám định thương tích, giám định tử thi, giám định tình dục… giám định qua hồ sơ bệnh án tổng 259 vụ/năm.

Trong năm 2021, tổ chức thực hiện 10 phiên giám định y khoa, kết luận tỷ lệ tổn thương cơ thể 133 trường hợp (trong đó người bị ảnh hưởng chất độc hóa học/dioxin 03; khuyết tật 98; bảo hiểm xã hội 11; tai nạn lao động 15; theo yêu cầu 6 trường hợp). Thực hiện tốt các hoạt động chuyên môn, không để tồn đọng hồ sơ, đáp ứng kịp thời cho các tổ chức cá nhân.

Bs CKI. Đàm Văn Bách, Giám đốc Trung tâm Pháp y và Giám định y khoa tỉnh cho biết thời gian qua, trong quá trình hoạt động, Trung tâm vẫn còn gặp nhiều khó khăn như trụ sở làm việc sử dụng trụ sở cũ của Trung tâm nuôi dưỡng trẻ em, nhà xuống cấp, một số phòng phục vụ chuyên môn không phù hợp và một số phòng không phù hợp với công năng sử dụng. Trang thiết bị đầu tư cho công tác giám định pháp y và giám định y khoa chưa đáp ứng được nhu cầu, do đó làm ảnh hưởng đến công tác giám định.

Cùng với đó đội ngũ bác sĩ làm công tác giám định pháp y chưa được đào tạo chuyên khoa, đặc biệt bác sĩ chuyên khoa sâu về cận lâm sàng như chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm… Ngoài ra, còn những rào cản tâm lý của nhân dân về công tác pháp y và giám định là những cuộc giải phẫu, khám nghiệm tử thi, đa số người thân của nạn nhân có tâm lý không muốn cho mổ tử thi nên thường gây khó khăn cho công tác khám nghiệm, công tác tuyên truyền về vai trò của việc giám định pháp y chưa được sâu rộng nên vẫn còn những luồng dư luận chưa đúng đắn về pháp y”.

Cùng với thực hiện tốt công tác chuyên môn nghiệp vụ, Trung tâm Pháp y và giám định y khoa tỉnh cũng triển khai tốt công tác cải cách hành chính. Thực hiện các văn bản chỉ đạo của ngành y tế, trung tâm đã tổ chức cho toàn thể viên chức về công tác cải cách hành chính, góp phần nâng cao chất lượng giám định pháp y và giám định y khoa. Đẩy mạnh cải cách đơn giản hóa thủ tục hành chính, áp dụng công nghệ thông tin, thu phí giám định bằng hóa đơn điện tử, cải cách quy trình đón tiếp người đến khám giám định đã rút ngắn thời gian khám và trả kết quả giám định cho cơ quan trưng cầu, đáp ứng sự hài lòng của các Cơ quan điều tra tố tụng trưng cầuvà nhân dân.

Hoạt động công đoàn được triển khai thực hiện có hiệu quả. Tổ chức công đoàn đã triển khai, phổ biến tuyên truyền cho đoàn viên chấp hành tốt các quy định của pháp luật như Phổ biến Luật lao động, Luật Công đoàn, Luật Thi đua khen thưởng, Luật Bảo hiểm xã hội; tư vấn pháp luật lao động và công đoàn cho viên chức.

Phối hợp với chính quyền trong việc đảm bảo các quyền lợi, chế độ chính sách; luôn quan tâm đến đời sống, nhất là đối với cán bộ nữ. Vận động viên chức nữ tham gia các phong trào như: “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”. Giải quyết kịp thời những phản ánh của đoàn viên phù hợp với lợi ích của viên chức, người lao động. Phát động phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” “phong trào xanh sạch đẹp, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động” “Xây dựng cơ quan văn hóa”

Năm 2022, Trung tâm Pháp y và Giám định y khoa tỉnh sẽ tiếp tục tham mưu cho Sở Y tế lãnh đạo, chỉ đạo công tác giám định pháp y và công tác giám định y khoa; không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả công việc.

Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan trưng cầu trong hoạt động tố tụng, bảo đảm tính chính xác, khách quan, tham gia tại tòa khi có yêu cầu. Đề xuất chủ trương đầu tư thêm trụ sở làm việc, trang thiết bị phục vụ chuyên môn còn thiếu; tổ chức nghiên cứu phân tích đánh giá rút kinh nghiệm từng vụ việc; phấn đấu hoàn thành tốt công việc được giao trong năm 2022 thực hiện giám định 100% số vụ việc khi có trưng cầu giám định. Nỗ lực xây dựng trung tâm ngày càng vững mạnh xứng đáng với niềm tin của Nhân dân, góp phần cùng ngành y tế tỉnh nhà ngày một phát triển./.

Kim Dung (Văn phòng Sở Y tế)

Page 1 of 7

 

 

Cổng thông tin điện tử Sở Y tế tỉnh Bắc Kạn

Tên cơ quan chủ quản: Sở Y tế tỉnh Bắc Kạn

Điện thoại :(+84).2093.870.580 - Fax : (+84).2093.873.585 

Địa chỉ: Tổ 7B - phường Đức Xuân - thành phố Bắc Kạn - Tỉnh Bắc Kạn

Địa chỉ mail: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

Trưởng Ban biên tập: TTƯT. Tạc Văn Nam - Giám đốc Sở Y tế

Chung nhan Tin Nhiem Mang