Leo Magazine - шаблон joomla Окна

Nhằm cập nhật kiến thức cho viên chức trong đơn vị về cấp cứu ngừng tuần hoàn cơ bản và xử trí phản vệ, cũng như nâng cao kỹ năng thực hành trong công tác cấp cứu người bệnh và chất lượng điều trị trong bệnh viện, Trung tâm Y tế huyện Na Rì vừa tổ chức tập huấn cho nhân viên y tế.

Ngừng tuần hoàn có thể xảy ra đột ngột ở mọi nơi trong và ngoài bệnh viện, thậm chí ngay trong phòng mổ, phòng hồi sức. Đây là hậu quả cuối cùng của rất nhiều nguyên nhân bệnh lý khác nhau và có thể dẫn đến tử vong. Chính vì vậy, cấp cứu ngừng tuần hoàn đóng vai trò rất quan trọng đối với sinh mạng người bệnh. Phát hiện sớm các dấu hiệu nguy hiểm đe dọa tính mạng, xử trí sớm và đúng phương pháp sẽ có nhiều cơ hội để cứu sống người bệnh.

Thực hành trên mô hình

Do đó, việc nắm rõ quy trình cấp cứu, trình tự các bước để thực hiện cấp cứu nhanh chóng và hiệu quả là yêu cầu cơ bản cần thiết của mỗi nhân viên y tế.

Tại lớp tập huấn, giảng viên đã truyền đạt cho học viên hiểu được đại cương ngừng tuần hoàn; nguyên nhân gây ngừng tuần hoàn; cấp cứu, cách nhận biết và kích hoạt ngay hệ thông cấp cứu khẩn cấp; một số phương pháp cấp cứu theo trình tự C-A-B, phương pháp hồi sức tim phổi nâng cao, hướng dẫn sử dụng các thuốc hợp lý và an toàn khi cấp cứu bệnh nhân; phối hợp cấp cứu nhóm…

Ngoài ra, học viên còn được thực hành các kỹ thuật cấp cứu ngừng tuần hoàn trên mô hình. Dưới sự hướng dẫn, truyền đạt tích cực, nhiệt huyết của giảng viên, tất cả học viên đều tham gia với tinh thần sôi nổi, tích cực và nghiêm túc.

Thực hiện: Trung tâm Y tế huyện Na Rì

Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương vừa có công văn gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố cần tăng cường giám sát bệnh sởi/rubella.

Theo Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương, từ đầu năm 2024 đến nay, cả nước ghi nhận 78 trường hợp sốt phát ban nghi sởi/rubella tại các tỉnh thuộc khu vực Miền Bắc. Trong đó, có 12 trường hợp sởi xác định tại phòng thí nghiệm của 4 tỉnh, thành phố và 10 trường hợp dương tính rubella tại 7 tỉnh thành phố.

Đặc biệt, ghi nhận một chùm ca bệnh sởi tập trung tại huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh ở nhóm trẻ 10 tuổi. Từ đầu năm đến nay, tỉnh Bắc Kạn đã ghi nhận 01 trường hợp sốt phát ban nghi sởi tại huyện Pác Nặm.

Tiêm vắc xin là biện pháp tốt nhất để phòng bệnh sởi/rubella.

Để chủ động phòng, chống dịch sởi/rubella, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đề nghị, Sở Y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị y tế tăng cường công tác giám sát các trường hợp nghi sởi/rubella, tổ chức điều tra, lấy mẫu gửi về Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương xét nghiệm.

Duy trì công tác tiêm chủng vắc xin sởi cho trẻ từ 9 – 12 tháng tuổi và vắc xin sởi – rubella cho trẻ từ 18 – 24 tháng, đảm bảo không bỏ sót đối tượng./.

                                      

Hoàng Chúc ( Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)

PHÒNG CHỐNG BỆNH HO GÀ

Tháng 4 03

Sau nhiều năm không ghi nhận ca Ho gà tại Thành phố Bắc Kạn. Ngày 14/3/2024, Trung tâm Y tế thành phố Bắc Kạn phát hiện 01 ca mắc bệnh Ho gà ở trẻ 15 tháng tuổi có địa chỉ tại Phường Đức Xuân. Ca bệnh được xét nghiệm xác định tại Bệnh viên Nhi Trung ương.

Bệnh ho gà xuất hiện ở mọi nơi trên thế giới và thường gặp nhất là ở trẻ em. Trước khi có vắc xin phòng bệnh, ho gà phát triển mạnh và bùng phát thành dịch có tính chu kỳ khoảng 3-4 năm ở nhiều nước. Từ đầu năm 2024 đến nay cả nước ghi nhận gần 70 trường hợp mắc bệnh Ho gà.

 Minh hoạ (nguồn internet)

Đặc điểm của bệnh Ho gà:

Khởi đầu của bệnh có thể không sốt hoặc sốt nhẹ, có viêm long đường hô hấp trên, mệt mỏi, chán ăn và ho. Người bệnh ho rũ rượi từng cơn liên tục, kéo dài, sau cơn ho có lúc ngừng thở, tím tái.

Thở rít vào sau mỗi cơn ho. Nôn sau cơn ho, thoạt đầu nôn thức ăn, rồi đến nước dãi trong suốt. Sau mỗi cơn ho người bệnh mệt bơ phờ, mình đẫm  mồ hôi và thở gấp.

Bệnh do vi khuẩn Bordetella pertussis thuộc giống Bordetella gây bệnh ở người.  Vi khuẩn có sức đề kháng rất yếu. Vi khuẩn sẽ bị chết trong 1 giờ dưới tác dụng của nhiệt độ, ánh sáng mặt trời trực tiếp hoặc thuốc sát khuẩn thông thường.

Nguồn truyền nhiễm

Ổ chứa: Người là vật chủ duy nhất. Bởi vậy, nguồn truyền bệnh là bệnh nhân, không có nguồn lây truyền ở người lành mang trùng hoặc người bệnh trong thời kỳ lại sức .

Thời gian ủ bệnh: Thông thường từ 7 đến 20 ngày. Thời kỳ lây truyền: Bệnh ho gà lây truyền mạnh nhất trong thời kỳ đầu viêm long, sau đó tính lây truyền giảm dần và sẽ mất đi sau 3 tuần mắc bệnh, mặc dù lúc này cơn ho vẫn còn dai dẳng. Nếu được điều trị kháng sinh có hiệu lực thì thời gian lây truyền được rút ngắn và thông thường khoảng 5 ngày.

Phương thức lây truyền:

 Lây truyền do tiếp xúc trực tiếp qua đường hô hấp có các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng bệnh nhân khi ho, hắt hơi. Tính lây truyền rất cao ngay sau khi bị phơi nhiễm với giọt nước miếng của bệnh nhân, nhất là đối với những người sinh hoạt trong cùng một không gian khép kín lâu dài như hộ gia đình, trường học… Tỷ lệ mắc bệnh trong số những người trực tiếp tiếp xúc với bệnh nhân trong cùng gia đình từ 90-100%.

Tiêm vắc-xin là cách phòng bệnh tốt và hiệu quả nhất, tiêm đủ liều và đúng lịch.

Mũi 1: tiêm khi trẻ 2 tháng; Mũi 2: tiêm khi trẻ 3 tháng; Mũi 3: tiêm khi trẻ 4 tháng; Mũi 4: 18 tháng - 24 tháng trẻ được tiêm nhắc lại mũi 4 ( vắc xin có thành phần ho gà như DPT…)

Vệ sinh phòng bệnh:

Nhà ở, nhà trẻ, lớp học... phải thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng. Tại nơi có ổ dịch ho gà cũ, cần tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp bệnh có cơn ho gà điển hình, nhất là đến khoảng thời gian chu kỳ của bệnh dịch ở địa phương.

Thực hiện chăm sóc trẻ mắc ho gà đúng cách. Cách ly trẻ với những người bị ho gà trong thời gian ít nhất 4 tuần kể từ khi có cơn ho điển hình.

Những trường hợp mắc bệnh ho gà nhẹ có thể cách ly, theo dõi và điều trị tại nhà dưới sự giám sát của cán bộ y tế xã, phường. Những trường hợp mắc bệnh ho gà nặng, bị bội nhiễm và có biến chứng cần được cách ly và điều trị tại trạm y tế xã hoặc bệnh viện.

Thường xuyên rửa tay sạch bằng xà phòng, che miệng lại khi ho hoặc hắt hơi, giữ gìn vệ sinh thân thể, mũi, họng cho trẻ mỗi ngày. Luôn đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng mặt trời. Vệ sinh những đồ vật tiếp xúc hằng ngày bằng dung dịch vô khuẩn.

Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh ho gà thì phải cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

Bác sĩ Hà Thị Đượm (Trung tâm Y tế thành phố)

 

Bộ Y tế phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị trực tuyến với các địa phương về công tác phòng, chống các bệnh lây truyền từ động vật sang người năm 2024. Chủ trì Hội nghị tại điểm cầu Trung ương có Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương và Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến.

Dự Hội nghị tại điểm cầu của tỉnh Bắc Kạn có lãnh đạo Sở Y tế, Văn phòng UBND tỉnh, Sở NN&PTNT, Chi cục Chăn nuôi và Thú y và một số đơn vị trực thuộc Sở Y tế.

Qua báo cáo, theo dõi giám sát của các đơn vị y tế dự phòng các tỉnh, thành phố, tình hình dịch bệnh đầu năm 2024 đang có nhiều diễn biến phức tạp, nhất là một số bệnh lây truyền từ động vật sang người.

 

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh

Hơn 2 thập kỷ qua, nhiều dịch bệnh nguy hiểm mới nổi đã xảy ra trên toàn thế giới như dịch hạch, SARS, cúm gia cầm A (H5N1), cúm A (H1N1) và gần đây nhất là đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người cũng như tác động lớn đến kinh tế, xã hội của các quốc gia; trong đó khoảng 70% các bệnh truyền nhiễm là các bệnh lây truyền từ động vật sang người.

Với bệnh cúm A (H5N1), kể từ năm 2014 không ghi nhận ca mắc mới, trong tháng 8/2022 và tháng 3/2024 đã ghi nhận 2 trường hợp mắc mới, trong đó có 1 trường hợp tử vong. Đối với bệnh dại, năm 2023 cả nước ghi nhận 62 trường hợp tử vong, riêng 3 tháng đầu năm 2024 đã ghi nhận 27 trường hợp tử vong do dại, tăng 16 ca so với cùng kỳ năm 2023.

Việc kiểm soát các bệnh lây truyền từ động vật sang người không chỉ dựa vào nỗ lực của ngành y tế, ngành thú y mà cần sự phối hợp chặt chẽ của các cấp bộ, ban, ngành liên quan, sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương, sự tham gia chủ động của người dân, cộng đồng.

Trong thời gian qua, ngành y tế và ngành thú y đã có sự phối hợp lâu dài, chặt chẽ và đạt được một số kết quả nhất định. Năm 2013, hai ngành đã phối hợp xây dựng và tổ chức thực hiện

Thông tư Liên tịch số 16/2013/TTLT-BYT-BNN&PTNT ngày 27 tháng 5 năm 2013 của Bộ Y tế - Bộ NN&PTNT về Hướng dẫn phối hợp phòng chống bệnh lây truyền từ động vật sang người, xây dựng và triển khai Chương trình quốc gia phòng, chống dịch bệnh dại, giai đoạn 2022-2030.

Tại Hội nghị trực tuyến, đại biểu các tỉnh đã tập trung thảo luận về các biện pháp phòng, chống cúm gia cầm và phòng, chống một số bệnh lây truyền từ động vật sang người và chia sẻ những khó khăn, thách thức cũng như các bài học kinh nghiệm và giải pháp nhằm tăng cường công tác phòng, chống các bệnh lây truyền từ động vật sang người năm 2024.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đề nghị thời gian tới, các đơn vị, địa phương đẩy mạnh trong công tác truyền thông tiêm vắc xin phòng bệnh trên đàn vật nuôi, đặc biệt là địa bàn vùng sâu vùng xa; tăng cường phối hợp giữa Bộ Y tế và Bộ NN&PTNT để thực hiện triệt để công tác phòng chống dịch bệnh./.

Thực hiện: Hoàng Chúc ( Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)

Trạm Y tế xã Đức Vân đã thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản trên địa bàn. Tổng số phụ nữ có thai được quản lý từ đầu năm đến nay là 17 và được khám thai 3 lần/3 thời kỳ tại Trạm Y tế.

 

Tất cả phụ nữ mang thai đều sinh con tại cơ sở y tế, sản phụ sau đẻ và trẻ sơ sinh được cán bộ y tế chăm sóc sau sinh. Số phụ nữ có thai được khám tại Trạm y tế là 43 lượt. Chăm sóc trước sinh nhằm phát hiện nguy cơ khi mang thai bất thường của mẹ và thai nhi để sử trí kịp thời

Để tiếp tục thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản của xã,  trong năm 2024 sẽ tập trung triển khai các hoạt động cải thiện tình trạng sức khỏe của người dân, tăng cường tiếp cận và nâng cao chất lượng dự phòng các bệnh lây truyền từ mẹ sang con, dự phòng ung thư cổ tử cung; nâng cao tình trạng sức khỏe sinh sản cho các đối tượng người cao tuổi, vị thành niên, thanh niên …

Ngay từ đầu năm, Trạm Y tế xã Đức Vân đã xây dựng kế hoạch tháng, quý, năm về công tác truyền thông, nhằm tuyên truyền, GDSK đến nhân dân, chú trọng công tác tuyên truyền cho phụ nữ mang thai. 

 Hiện tại, số phụ nữ đang mang thai được quản lý tại Trạm Y tế xã là 8; trong quý I năm 2024 trạm đã triển khai tuyên truyền theo nhóm, tư vấn riêng cho từng thai phụ được 43 lượt với các nội dung  nhằm gúp sản phụ hiểu được tầm quan trọng về việc khám thai định kỳ và quản lý thai nghén đặc biệt là chế độ chăm sóc, chế độ nghỉ ngơi, chế độ dinh dưỡng, và lựa chọn nơi sinh an toàn như sau tư vấn khám thai 3 tháng đầu, 3 tháng giữa, 3 tháng cuối trong thời gian mang thai; tư vấn về chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý.

Tư vấn tiêm phòng uốn ván đủ 2 mũi cho sản phụ khi mang thai, uống viên sắt từ 3 tháng đầu đến sau đẻ 1 tháng, và uống Vitamin A sau đẻ, tư vấn sàng lọc sơ sinh cho con.

Tư vấn sàng lọc trước sinh và khuyến cáo sản phụ đến sinh con tại cơ sở Y tế.

Khám sàng lọc,phát hiện yếu tố nguy cơ và tư vấn chăm sóc,điều tri phù hợp các bệnh lây truyền từ mẹ sang con như HIV,Giang mai,Viêm gan B.

Trong thời gian tới, Trạm Y tế xã Đức Vân tiếp tục thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản đề đảm bảo đạt các tiêu chí theo Bộ tiêu chí Quốc gia về Y tế xã.

 Thực hiện: Vũ Thị Thậm (Trạm Y tế xã Đức Vân-Ngân Sơn)

Thực hiện Kế hoạch số 243/KH-NCKH ngày 07/2/2024 của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Kạn, vừa qua, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Kạn tổ chức khám sàng lọc, điều tra tỷ lệ mang gen bệnh và kiến thức, thái độ, thực hành chođối tượng 17-25 tuổi về bệnh Thalassemia trên địa bàn xã Đức Vân huyện Ngân Sơn.

 

 

 

Tại buổi khám có 36 đối tượng từ 17 -25 tuổi được sàng lọc về bệnh Thalassemia, tất cả các đối tượng đều được lấy máu làm các xét nghiệm: Tổng phân tích tế bào máu, sắt, ferritin, điện đi huyết sắc tố, đột biến gen alpha/beta globin. Bên cạnh đó các đối tượng cùng được phỏng vấn kiến thức, thái độ, thực hành về bệnh Thalassemia (KAP) theo bộ công cụ điều tra.

Đợt khám sàng lọc về bệnh Thalassemia là cơ hội để phát hiện sớm gen mang bệnh đối với các đối tượng từ 17 -25 tuổi, đây cũng là đợt để tìm hiểu về sức khỏe, bệnh di truyền qua đó các đối tượng biết cách chăm sóc sức khỏe và có trách nhiệm với sức khỏe của bản thân và gia đình./.

Thực hiện: Trung tâm Y tế huyện Ngân Sơn

Page 1 of 119

Cổng thông tin điện tử Sở Y tế tỉnh Bắc Kạn

Tên cơ quan chủ quản: Sở Y tế tỉnh Bắc Kạn

Điện thoại :(+84).2093.870.580 - Fax : (+84).2093.873.585 

Địa chỉ: Tổ 7B - phường Đức Xuân - thành phố Bắc Kạn - Tỉnh Bắc Kạn

Địa chỉ mail: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

Trưởng Ban biên tập: TTƯT. Tạc Văn Nam - Giám đốc Sở Y tế

Chung nhan Tin Nhiem Mang