Tổ chức Y tế thế giới (WHO) định nghĩa: “Sức khỏe là sự hoàn toàn thoải mái về thể chất, tinh thần lẫn xã hội chứ không chỉ là không có bệnh tật”. Do đó, sức khỏe tâm thần đối với mỗi người là rất cần thiết, được coi là quyết định đến chất lượng cuộc sống, hạnh phúc gia đình, bình an xã hội và sự phồn thịnh của đất nước.
Chăm sóc, điều trị người bệnh tại khoa Tâm thần kinh, bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Kạn.
WHO nhận định, sức khỏe tâm thần có tầm quan trọng đứng thứ tư sau các bệnh tim mạch, ung thư, đái tháo đường. Trên thế giới, hiện có khoảng 400 triệu người bị một trong các rối loạn tâm thần. Tại Việt Nam, tỷ lệ người bị rối loạn tâm thần chiếm 20 -30% dân số, vấn đề sức khỏe tâm thần thanh thiếu niên, nhất là bệnh trầm cảm, tự kỷ ngày càng gia tăng. Theo số liệu công bố trong nước, Việt Nam có ít nhất ba triệu thanh thiếu niên bị rối loạn tâm thần, chỉ 20% trong số đó được chẩn đoán và điều trị thích hợp.
Từ năm 1992 WHO chọn ngày 10/10 làm Ngày Sức khỏe tâm thần thế giới, với mục đích giáo dục, nâng cao nhận thức và ủng hộ sự nghiệp chăm sóc sức khỏe tâm thần.
Để hạn chế những tác động tiêu cực đến đời sống tinh thần của con người, WHO đã lựa chọn chủ đề cho Ngày Sức khỏe tâm thần thế giới năm 2022 là “Làm cho sức khỏe tâm thần và hạnh phúc mọi người trở thành ưu tiên toàn cầu”. Chủ đề này cho thấy, xã hội cần phải quan tâm nhiều hơn nữa đến sức khỏe, đời sống tinh thần của con người để xây dựng một cuộc sống hạnh phúc.
Thực hiện Chương trình chăm sóc sức khỏe tâm thần cộng đồng, những năm qua, ngành Y tế tỉnh Bắc Kạn đã triển khai đồng bộ tại 108/108 xã, phường trong tỉnh duy trì triển khai chăm sóc sức khỏe tâm thần phân liệt, động kinh. 9 tháng năm 2022, trong tỉnh phát hiện mới 06 bệnh nhân, (05 người bệnh động kinh, 01 người bệnh tâm thần phân liệt).
Hiện nay, toàn tỉnh đang quản lý 1.295 người bệnh, trong đó có 691 người bệnh tâm thần phân liệt; 604 người bệnh động kinh. Triển khai hoạt động quản lý, điều trị bệnh nhân trầm cảm tại 02 xã: Hiệp Lực, Trung Hoà(Ngân Sơn), khám 45 người, phát hiện 06 người bị rối loạn trầm cảm và lập bệnh án quản lý điều trị. Quản lý và điều trị tại cộng đồng cho 369 bệnh nhân rối loạn trầm cảm ở40 xã, phường. Bên cạnh công tác quản lý và điều trị, hoạt động giám sát, truyền thông được thực hiện thường xuyên. Qua đó, nhận thức về sức khoẻ tâm thần của các cấp chính quyền và người dân ở địa phương đã được thay đổi rõ rệt theo hướng tích cực và sự miệt thị với người bệnh đã được giảm bớt.
Tuy nhiên, trong cuộc sống hiện nay tiềm ẩn rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến các bệnh lý tâm thần. Đặc biệt đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của con người nói chung, sức khỏe tâm thần nói riêng.
Để bảo vệ sức khỏe tâm thần, các Chuyên gia y tế khuyên: Việc nâng cao nhận thức, thay đổi quan niệm của cộng đồng xã hội về sức khỏe tâm thần là cực kỳ quan trọng, góp phần rất lớn vào hiệu quả điều trị cho người bệnh, ngăn ngừa các nguy cơ về rối loạn tinh thần.
Các bác sỹ chuyên khoa tâm thần cũng khuyến cáo: Mỗi người dân cần có một lối sống khoẻ mạnh, hoạt động có ích để có tâm lý tốt, lạc quan, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, chế độ làm việc, học tập và nghỉ ngơi hợp lý, thường xuyên tập thể dục để tăng cường sức khoẻ. Đồng thời, hiểu đúng đắn về dấu hiệu, triệu chứng bệnh tâm thần nhằm giúp cho mình cũng như người thân phát hiện kịp thời, sớm đưa người bệnh đến trạm y tế, phòng khám bệnh tâm thần để được giúp đỡ./.
Quỳnh Giao