Leo Magazine - шаблон joomla Окна

Tăng cường phòng, chống bệnh tay - chân - miệng

Thứ hai, 05 Tháng 10 2020 09:59

Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người, dễ gây thành dịch. Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật của tỉnh, Trong tháng 9 năm nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã ghi nhận 181 ca bệnh tay chân miệng, tăng 86 ca so với cùng kỳ năm 2019. Đặc biệt các ca bệnh tăng nhanh ở các địa phương trong tháng 9 - dịp đầu năm học, trẻ tập trung vào năm học mới, cộng với thời tiết giao mùa là yếu tố thuận lợi cho sự lây lan và phát triển của bệnh.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Chợ Mới tổ chức Truyền thông về phòng chống các bệnh truyền nhiễm. Ảnh PT

Trước tình hình bệnh chân tay miệng gia tăng ở nhiều nơi, thời gian qua, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, tăng cường lấy mẫu xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh, đẩy mạnh công tác truyền thông. Đồng thời hướng dẫn Trung tâm Y tế các huyện, thành phố thường xuyên giám sát ở địa phương để phát hiện sớm và xử lý kịp thời các trường hợp mắc bệnh, không để lây lan, bùng phát thành dịch, chỉ đạo các Trạm Y tế xã, phường, thị trấn thực hiện các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn nhân dân thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường dự phòng lây nhiễm; Củng cố các đội cơ động phòng chống dịch, chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, hoá chất, trang thiết bị chống dịch để sẵn sàng đáp ứng khi có dịch xảy ra; Phối hợp chặt chẽ với Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thành phố chỉ đạo, tổ chức triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh chủ động tại các trường học trên địa bàn.

Điều trị trẻ bị bệnh tay chân miệng tại Trung tâm Y tế huyện Chợ Mới (tháng 9/2020) Ảnh PT

Theo các chuyên gia y tế cho biết, dấu hiệu đặc trưng của bệnh tay chân miệng là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông. Ở giai đoạn đầu, bệnh thường không gây nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, ở một số trường hợp, bệnh có thể diễn biến nặng và gây biến chứng nguy hiểm như viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nên cần được phát hiện sớm, điều trị kịp thời. 

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, tình hình dịch bệnh tay chân miệng nhiều nguy cơ bùng phát rộng, đặc biệt là trong các tháng 10, 11.

Các bác sĩ cũng khuyến cáo: Khi trẻ bị nhiễm tay chân miệng, không nên bôi các loại thuốc dân gian không rõ nguồn gốc lên các mụn nước hay vết lở loét của trẻ. Bởi có thể trẻ không những bị dị ứng, ngộ độc thuốc khiến bệnh nặng thêm mà công tác chẩn đoán bệnh trạng của bệnh nhân trở nên khó khăn hơn, dễ trở thành dịch...

Bệnh tay chân miệng hiện chưa có vắc xin phòng bệnh. Để chủ động phòng, chống dịch bệnh, người dân và cộng đồng cần thực hiện các biện pháp như: rửa tay thường xuyên bằng xà phòng; thực hiện tốt vệ sinh ăn uống; thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc với trẻ hàng ngày; không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh; sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh; khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất./.

Phương Thào - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật

Đánh giá mục này
(0 bỏ phiếu)
Đọc 813 lượt xem
Đăng nhập để gửi bài bình luận

Cổng thông tin điện tử Sở Y tế tỉnh Bắc Kạn

Tên cơ quan chủ quản: Sở Y tế tỉnh Bắc Kạn

Điện thoại :(+84).2093.870.580 - Fax : (+84).2093.873.585 

Địa chỉ: Tổ 7B - phường Đức Xuân - thành phố Bắc Kạn - Tỉnh Bắc Kạn

Địa chỉ mail: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

Trưởng Ban biên tập: TTƯT. Tạc Văn Nam - Giám đốc Sở Y tế

Chung nhan Tin Nhiem Mang