Print trang này

Bệnh nhân Phong ở thôn Coọc Mu - xưa và nay!

Thứ tư, 05 Tháng 8 2015 00:28
Bệnh nhân Phong ở thôn Coọc Mu - xưa và nay!

Thôn Coọc Mu xã Hoàng Trĩ huyện Ba Bể,cách đây khoảng 25 năm từng mệnh danh là thôn “hủi” hay "thôn bệnh phong", bởi nơi đây vào thời điểm đó, ngành y tế đã phát hiện tỷ lệ người mắc bệnh phong so với dân số cao nhất cả nước. Song với sự nỗ lực của các ngành, các cấp, trước hết là ngành y tế, người dân thôn Coọc Mu hôm nay có nhiều thay đổi về sức khỏe và đời sống.

Quá khứ buồn

Vào những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, người dân thôn Coọc Mu trải qua những tháng ngày đau buồn. Đó là khi trong thôn phát hiện nhiều người cùng chung các biểu hiện của căn bệnh lâu nay vẫn gọi là bệnh “hủi”. Một thời gian sau, có những gia đình đến 2-3 ngườicùng mắc bệnh; anh em ruột thịt, mẹ con, bố con có cùng triệu chứng bệnh phong như gia đình Ông Triệu Hữu Chu, Đặng Thị Cầu, gia đình ông Lý Liên Xuân, Lý Liên Tiền...

Do thiếu hiểu biết, không khí u ám bao trùm cả thôn. Người đổ lỗi cho “con ma”, người thì cho đấy là sự trừng phạt của “thần linh”.Ai ai cũng có lý do riêng song đau khổ, tủi nhục là cảm xúc trực chờ chung của cả người bệnh và cả những người không mang bệnh. Nhưng không nỗi đau nào hơn là sự kỳ thị của cộng đồng đối với những người dân thôn Coọc Mu nói chung, bệnh nhân phong nói riêng.

Đã có những cuộc họpở các thôn, bản khác trong xã diễn ra cả đêm đề nghị chính quyền di dời người dân Coọc Mu đi nơi khác, vì họ cho rằng thôn Coọc Mu ở đầu nguồn nước sẽ làm lây lan bệnh phong ra cộng đồng. Và cả chuyện không cho con mình học với con, em của thôn Coọc Mu, đề nghị tách học sinh thôn Coọc Mu làm lớp riêng.

Trong thời gian đầu khi phát hiện bệnh nhân phong, cuộc sống của cả thôn Coọc Mu bị đảo lộn, mọi sinh hoạt đều bị ảnh hưởng.Cũng có nhiều người không chịu được sự xa lánh, kỳ thị phải bỏ làng ra đi trong tủi hờn.Chỉ trong 1 thời gian ngắn, có nhiều người trốn tránh sự thật, ra đi tìm cuộc sống mới. Gần thì đi sang các thôn khác trong xã, xa hơn thì tìm đến xã khác trong huyện, còn xa hơn nữa thì tìm đến các tỉnh khác; đi đâu cũng được, làm gì cũng xong miễn là càng đi xa nơi này bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu.

Những người ở lại đa phần là mắc bệnh phong và thân nhân của họ.Trong người mang bệnh, họ biết đi về đâu và cũng bởi sẽ chẳng ai tiếp nhận họ khi thành kiến về bệnh phong thời đó rất nặng nề.Cũng như những người ra đi, họ bắt đầu cuộc sống mới trong sự tủi hờn, giằn vặt.Phải sống không chỉ là mệnh lệnh mà là bản năng của những người dân nơi đây.Hàng ngày họ vẫn chăm chỉ, lầm lũi kiếm cái ăn, cái mặc trên nương, rẫy.Họ làm đủ thứ, quần quật như thể để quyên đi nỗi đau về thể xác và tâm thần đang gánh chịu.

Sự vào cuộc của ngành y tế

Cùng với chính quyền địa phương, ngay sau khi phát hiện bệnh nhân phong ở thôn Coọc Mu, ngành y tế tỉnh Cao Bằng (lúc đó huyện Chợ Rã thuộc tỉnh Cao Bằng), sau này là Bắc Kạn nhanh chóng vào cuộc.Nhiều đoàn công tác của Bệnh viện da liễu Trung ương, Sở Y tế, Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội đã đến với người dân nơi đây, cùng ăn, cùng ở với họ.Trước hết là tổ chức tuyên truyền, trấn an người dân, làm yên lòng dư luận;vận động người dân Coọc Mu trở lại sản xuất, ổn định cuộc sống.Thăm hỏi, động viên bệnh nhân phong tiếp tục sống, lao động, sản xuất.

Thời gian đó , Bác sỹ Trần Hữu Ngoạn (nguyên Giám đốc bệnh viện Phong và Da liễu Quy Hòa(Bộ Y tế) - người đầu tiên và duy nhất trên thế giới tự nguyện uống, nhỏ vào mũi và tiêm vi trùng phong vào người để chứng minh bệnh phong không dễ lây như theo quan niệm của xã hội) - cũng đã đến đây để cùng nghiên cứu, xem xét, đánh giá tình hình, thăm hỏi, động viên người bệnh; đồng thời Bác sỹ Ngoạn vận động một số cá nhân, tổ chức từ thiện hỗ trợ kinh phí cho bệnh nhân phongđể mua giống cây trng, vật nuôi nhằmổn định, phát triển kinh tế để tự nuôi sống bản thân, gia đình.

Cùng với việc giúp dân khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống; cán bộ ngành y tếở cùng bà con để truyền thông, vận động, giải thích căn nguyên của bệnh tật; tổ chức khám đánh giá tình trạng, mức độ bệnh tật của các bệnh nhân đưa ra phác đồ điều trị thích hợp cho từng trường hợp; khám sàng lọc phát hiện các bệnh nhân mới.

Từ một bệnh nhân năm 1991, đến năm 1998 phát hiện 17 bệnh nhân phong ởthôn Coọc Mu, năm 2000 có tổng cộng 21 bệnh nhân phong (cả thôn chỉ gần 140 khẩu), trong đó có nhiều bệnh nhân cùng huyết thống là vợ chồng, anh em ruột. Tất cả các bệnh nhân mắc phong được cấp sổ phát thuốc miễn phí,theo dõi, quản lý,điều trị tại cộng đồng. Đối với bệnh nhân có nguy cơ tàn tật, bên cạnh điều trị đượccấp phát các dụng cụ hỗ trợ trong sinh hoạt, lao động, hướng dẫn phục hồi chức năng, dự phòng tàn tật...

Với giúp đỡ của xã hội, sự vươn lên của từng bệnh nhân, nỗi đau của người dân thôn Coọc Mu cũng dần qua đi, cuộc sống có nhiều thay đổi

 

Ngành Y tế thường xuyên tổ chức tuyên truyền cho người dân, học sinh về bệnh phong, do vậy không còn sự kỳ thị với những người từng mắc bệnh phong ở thôn Coọc Mu

Coọc mu hôm nay

Sau hơn một tiếng đồng hồ, từ trung tâm xã Hoàng Trĩ vượt 4 cây số đường rừng, chúng tôi đến thôn Coọc Mu. Xa xa đã thấy nhiều nóc nhà lợp fibro xi măng, hiện lên cuộc sống yên bình. Nhiều bà con đang cầy ruộng bằng máy cày, khẩn trương vào mùa vụ.

 

Cuộc sống thôn Coọc Mu có nhiều thay đổi, với những ngôi nhà rộng rãi, sạch đẹp

Chúng tôi gặp anh Triệu Khải Quý – từng là bệnh nhân phong- anh cho biết từ nguồn hỗ trợ 1,5 triệu đồng của các tổ chức từ thiện, anh mạnh dạn mua dê về nuôi. Đến nay, anh đã có đàn dê 15 con. Dẫu cuộc sống còn khó khăn, nhưng anh rất vui vì bệnh đã khỏi, anh vừa dựng ngôi nhà mới để thay thế nhà dột nát trước kia.

Lên thăm nhà anh Triệu Khải Tiến cũng từng là bệnh nhân phong. Ngôi nhà rộng rãi, chắc chắn, sạch sẽ.Nhiều bao thóc, bao ngô xếp ngổn ngang trong nhà.Cả nhà đang quây quần xem ti vi. Người nhà cho biết so với cuộc sống trước đây kinh tế gia đình có phát triển hơn, không phải đói đứt bữa, ngoài làm ngô, làm ruộng còn chăn nuôi thêm gia cầm, cuộc sống ổn định, mua sắm được đồ dùng trong nhà.

Bà Đặng Thị Cầu – mẹ anh Tiến, năm nay đã 82 tuổi, một trong những bệnh nhân phong được phát hiện đầu tiên cho chúng tôi biết: Khi bị bệnh sợ lắm, họ hàng, anh em không ai dám đến gần vì sợ lây bệnh, phải sống lủi thủi một mình. Bây giờ, được các bác sĩ giúp chữa khỏi rồi, giờ bà cũng như mọi người dân trong thôn không sợ bệnh phong nữa.

Đã có thế hệ kế tiếp sau những “biến cố” năm nào khi phát hiện bệnh nhân phong.Trẻ em thôn Coọc Mu giờ đi học không còn bị xa lánh, kỳ thị. Các em  tung tăng đến trường, tìm lại con chữ để có cơ hội làm tiếp những gì mà anh, cha mình đang dang dở. Em Lý Thị Bình, học sinh lớp 10 cho biết “ emcố gắng học thật giỏi, để thực hiện ước mơ trở thành bác sĩ khám chữa bệnh cho bà con”

Theo Ông Triệu Kim Tiền, Trưởng thôn Coọc Mu: Hiện nay thôn có 37 hộ, 186 khẩu, năm 2009 điện lưới quốc gia đã đến với thôn; số hộ nghèo còn chiếm gần 50% nhưng so với trước kia đời sống của người dân đã có nhiều thay đổi; được chăm sóc sức khỏe tốt hơn. Trẻ em trong độ tuổi được đi học.Thôn có điểm trường tiểu học hiện có 16 em theo học, con em trong thôn có người đã tốt nghiệp trường Trung cấp nghề Bắc Kạn hoặc phổ thông trung học.

Ngành y tế thường xuyên giám sát, tổ chức khám sàng lọc song từ năm 2002 đến nay tại thôn Coọc Mu không phát hiện bệnh nhân phong mới

Một điều đặc biệt, nhờ được phát hiện và điều trị kịp thời, trong tổng số 21 bệnh nhân phong ở thôn Coọc Mu không có bệnh nhân nào bị tàn tật, chỉ một số ít bị cò, rụt ngón tay, ngón chân. Bác sĩ Hoàng Văn Bảng, trưởng trạm y tế xã Hoàng Trĩ cho biết, hiện nay 21 bệnh nhân phong ở thôn Coọc Mu đã khỏi bệnh, dừng hẳn thuốc điều trị.Tuy nhiên ngành y tế thường xuyên giám sát, tổ chức khám sàng lọc song không phát hiện bệnh nhân mới.

Có thể ví câu chuyện về các bệnh nhân phong ở thôn Coọc Mu xã Hoàng Trĩ như chuyện cổ tích. Nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự vào cuộc của các ngành các cấp, đến nay thôn "Hủi" hay thôn"bệnh phong" Coọc mu xưa không còn "u ám" bởi bệnh tật nữa, chính họ - những người bệnh nhân phong xưa kia, từ chỗ bị xa lánh, kỳ thị song với khát vọng sống, cùng với sự hỗ trợ của xã hội, của ngành y tế, họ tiếp tục lao động, ổn định cuộc sống, mở ra một tương lai sáng lạn cho các thế hệ tiếp theo. Giờ đây các hộ dân có bệnh nhân Phong đã vươn lên thoát nghèo, thoát bệnh tật và làm chủ quê hương mình. Họ cũng đang góp phần cùng toàn xã thực hiện thắng lợi chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới tại địa phương./.

Bài: Đàm Trung, ảnh Văn Quản

TTTTGDSK tỉnh 

Sửa lần cuối vào Thứ tư, 22 Tháng 2 2017 03:51
Đánh giá mục này
(0 bỏ phiếu)
Đọc 3707 lượt xem
Đăng nhập để gửi bài bình luận