Leo Magazine - шаблон joomla Окна

Ngày 29/01/2024 các bác sĩ khoa Thăm dò chức năng, bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Kạn đã cấp cứu thành công bệnh nhân nam 60 tuổi, vào khoa trong tình trạng sốc mất máu do chảy máu ổ loét hành tá tràng.

daabee808253280d7142

Hình ảnh nội soi dạ dày của bệnh nhân T.V.L

Bệnh nhân T.V.L đến từ huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn, được khoa Hồi sức cấp cứu chuyển đến khoa Thăm dò chức năng trong tình trạng da xanh, niêm mạc nhợt, mạch nhanh nhỏ, huyết áp tụt, kèm theo nôn ra máu tươi lẫn máu đông, số lượng gần 1000ml.

Tiếp đón người bệnh trong tình trang nguy kịch, xuất huyết tiêu hóa nặng kèm theo xuất hiện các triệu trứng sốc mất máu, bệnh nhân nhanh chóng được hội chẩn cấp cứu và được chỉ định nội soi chẩn đoán và can thiệp ngay tại khoa thăm dò chức năng.

Tiến hành nội soi thấy nhiều máu đỏ lẫn máu đông trong dạ dày, soi đến hành tá tràng quan sát thấy tổn thương tại vị trí hành tá tràng, máu đang phun thành tia màu đỏ tươi. Kíp can thiệp đã tiến hành tiêm thuốc cầm máu xung quanh ổ loét và dùng kẹp clip, kẹp vào vị trí máu đang phun thành tia.

Do bệnh nhân mất máu nhiều nên kích thích vật vã gây khó khăn cho kíp thủ thuật trong khi cấp cứu người bệnh. Tuy nhiên với kỹ thuật thành thạo và chính xác, 3 kẹp clip đã được kẹp đúng vị trí ổ loét máu đang phun thành tia. Kiểm tra lại sau thủ thuật thấy trung tâm ổ loét không còn chảy máu.

Kíp nội soi can thiệp do bác sĩ CKII Hoàng Thị Định, Phó trưởng khoa Thăm dò chức năng, bác sĩ Đinh Hoàng Giang cùng ê kíp thực hiện.

Sau khi nội soi can thiệp cầm máu thành công, nhưng bệnh nhân vẫn trong tình trạng sốc mất máu nên được chuyển ngay đến khoa Hồi sức cấp cứu theo dõi tích cực.

Bác sĩ CKII Hoàng Thị Định cho biết: Xuất huyết tiêu hóa cao do chảy máu ổ loét hành tá tràng là một biến chứng đặc biệt nghiêm trọng, có thể đe dọa đến tính mạng người bệnh nếu không được can thiệp sớm và kịp thời.

Nguyên nhân chính gây loét hành tá tràng được các chuyên gia cho rằng do vi khuẩn Helicobacter Pylori, vi khuẩn có thể làm cho niêm mạc hành tá tràng bị viêm và loét có thể được hình thành.

Một số loại thuốc cũng có thể gây loét hành tá tràng đặc biệt là thuốc giảm đau, kháng viêm như Ibuprofen, Aspirin, Corticoid…

Có thể người bệnh dễ bị loét hành tá tràng nếu như uống rượu nhiều, hút thuốc lá , làm việc căng thẳng…

Bác sĩ CKII Hoàng Thị Định khuyến cáo: Đối với người bệnh được chẩn đoán loét dạ dày, hành tá tràng sau khi điều trị cần nội soi định kỳ để đánh giá tổn thương đáp ứng sau điều trị và phát hiện sớm những biến chứng có thể điều trị dự phòng.

Đối với người dân đặc biệt trong dịp tết nguyên đán do uống nhiều rượu, thức khuya, ăn uống thất thường, nếu xuất hiện các triệu chứng: Đau bụng, nôn ra máu, đại tiện phân đen hoặc máu đỏ tươi cần đến bệnh viện ngay để được khám và chẩn đoán bệnh, tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

CTV Bệnh viện đa khoa tỉnh

Thực hiện Kế hoạch số 174/KH-SYT, ngày 12/1/2024 của Sở Y tế Bắc Kạn. Mới đây, Sở Y tế đã tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát đảm bảo cung ứng thuốc, vật tư, hóa chất, sinh phẩm, trang thiết bị y tế phục vụ công tác khám, chữa bệnh tại một số đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh năm 2024.

 

Việc triển khai giám sát hoạt động đảm bảo cung ứng thuốc, vật tư, hóa chất, sinh phẩm, trang thiết bị y tế phục vụ hoạt động chuyên môn ngay từ đầu năm sẽ giúp củng cố và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động này tại các đơn vị y tế; đồng thời để ngành Y tế phát hiện các vấn đề tồn tại để thống nhất giải pháp tháo gỡ kịp thời.

4 

Giám đốc Bệnh viện Đa khoa báo cáo với đoàn giám sát về thực trạng thuốc, vật tư, hoá chất, sinh phẩm, trang thiết bị của Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Theo đó, năm 2023, mặc dù dịch bệnh Covid – 19 đã được kiểm soát, trang thiết bị y tế, thuốc phục vụ người bệnh tại các Trung tâm Y tế huyện, thành phố, Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Kạn đều có chung thực trạng thiếu. Nguyên nhân thiếu là do đứt gãy chuỗi cung ứng, do các văn bản pháp quy liên quan đến vấn đề mua sắm, đấu thầu, thuốc, vật tư, trang thiết bị có nhiều thay đổi để phù hợp với tình hình thực tế, nên việc lập hồ sơ mua sắm của các đơn vị y tế phải thực hiện lại để đúng với quy định của Chính phủ và Bộ Y tế, do đó thời gian lập hồ sơ mua sắm bị kéo dài dẫn đến thiếu một số trang thiết bị y tế, hóa chất, vật tư y tế phục vụ cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh.

5

Phó Giám đốc Sở Y tế Đinh Mạnh Cường kết luận tại buổi giám sát

Qua kiểm tra giám sát, để khắc phục thực trạng khó khăn trong thực hiện mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế, hóa chất, vật tư, sinh phẩm, lãnh đạo Sở Y tế đề nghị, các đơn vị cần khẩn trương xây dựng kế hoạch thực hiện một số gói thầu thuộc thẩm quyền để đáp ứng nhu cầu sử dụng thuốc, hóa chất, sinh phẩm, vật tư y tế phục vụ công tác chuyên môn cho đến khi có hướng dẫn theo Luật Đấu thầu số 22/2023/QH15.

                                                                     Hoàng Chúc CDC

Bệnh viện Đa khoa tỉnh vừa phấu thuật kết hợp xương đinh Gamma thành công cho bệnh nhân bị gãy liên mẫu xương đùi do tai nạn.

3

Trước đó, bệnh nhân H.T.K 75 tuổi, ở xã Nam Cường, huyện Chợ Đồn nhập viện trong tình trạng căng chân trái biến dạng, mất khả năng vận động. Sau khi được các bác sĩ thăm khám, chụp X-Quang và làm các xét nghiệm cận lâm sàng, cho kết quả người bệnh bị gãy liên mấu chuyển xương đùi trái.

Qua hội chẩn, các bác sĩ khoa chấn thương, chỉnh hình đã quyết định phấu thuật bằng phương pháp kết hợp xương đinh Gamma cho bệnh nhân, sau hơn 1 giờ thực hiện ca phấu thuật đã thành công tốt đẹp.

Theo ê kíp phấu thuật cho biết, đây là cách mổ vết rạch trên da không quá 3cm, nhờ đó giảm tỷ lệ chảy máu, nhiễm trùng sau mổ, rút ngắn thời gian lành vết thương, mà vị trí xương gãy vẫn được nắn chỉnh thẳng, xương liền tự nhiên, sớm phục hồi vận động sau phấu thuật.

Việc thực hiện thành công phương pháp phẫu thuật bằng xương đinh Gamma không mở ổ gãy đã mở ra nhiều cơ hội điều trị chấn thương phức tạp cho người dân, góp phần giảm chi phí, tăng sự hài lòng người bệnh, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân./.

CTV. Hoàng Chúc + Đồng Lai

Ngày 26/1/2024, Văn phòng phát triển vùng Bắc Kạn, Ban quản lý chương trình ChildFund huyện Ngân Sơn và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Kạn đã tổ chức hội thảo kích hoạt mô hình “Bệnh viện thực hành nuôi con bằng sữa mẹ xuất sắc” tại huyện Ngân Sơn. Dự hội nghị có TTƯT.BSCK II Tạc Văn Nam (Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Y tế).

1

TTƯT.BSCK II Tạc Văn Nam (Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Y tế) phát biểu tại hội nghị.

Huyện Ngân Sơn là đơn vị được tổ chức ChildFund tài trợ dự án Chăm sóc 1000 ngày đầu đời cho một tương lai tươi sáng – VN02018. Trong dự án này, Trung tâm y tế huyện Ngân Sơn đã được dự án thiết kế là đơn vị được hỗ trợ thực hiện thí điểm mô hình “Bệnh viện thực hành nuôi con bằng sữa mẹ xuất sắc” tại tỉnh Bắc Kạn. Với mục tiêu đặt ra trong thời gian tới, mô hình không chỉ thực hiện tại Ngân Sơn, mà sẽ tiếp tục được nhân rộng đến các bệnh viện, TTYT trên toàn tỉnh.

Mô hình “Bệnh viện thựchành nuôi con bằng sữa mẹ xuất sắc” là danh hiệu được trao cho những bệnh viện thực hiện tốt, đúng quy trình chăm sóc sơ sinh thiết yếu sớm, hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ, được gắn biển công nhận, được vinh danh và thông báo trên phương tiện truyền thông để các sản phụ, gia đình có thông tin lựa chọn nơi sinh tốt nhất cho mình.

 2

Toàn cảnh hội nghị.

Được biết mô hình Bệnh viện thực hành nuôi con bằng sữa mẹ xuất sắc đã được triển khai từ năm 2019 tại một số tỉnh, tính đến năm 2023 đã có 82 bệnh viện tại 16 tỉnh trên toàn quốc đã đăng ký thực hiện mô hình. Trong đó có 26 BV tuyến TW và tuyến tỉnh, 56 bệnh viện tuyến huyện. 34 Bệnh viện tại 12 tỉnh/thành phố đã được trao danh hiệu bởi Bộ Y tế và Sở Y tế các tỉnh./.

KIM CÚC (TTKSBT)

Ngày 26/01/2024, Bộ Y tế phối hợp Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam tổ chức hội nghị trực tuyến “Tổng kết Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) giai đoạn 2009 - 2023” với 63 tỉnh, thành phố. Tham dự có Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn chủ trì hội nghị tại điểm cầu Bộ Y tế; đồng chí Nguyễn Hoàng Mai – Phú Chủ nhiệm Uỷ ban xã hội, Quốc Hội; đồng chí Nguyễn Đức Hoà  – Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

 

244b8d401d6cb732ee7d

Các đại biểu tham dự tại điểm cầu Sở Y tế tỉnh Bắc Kạn

Tham dự điểm cầu tỉnh Bắc Kạn có Bác sĩ CKII Trần Văn Tuyến – Phó Giám đốc Sở Y tế; các phòng chức năng; các đơn vị trực thuộc Sở Y tế.

Tại hội nghị, Ban tổ chức đã báo cáo nhanh về công tác thực hiện Bảo hiểm y tế giai đoàn năm 2009 - 2023. Năm 2009 là năm đầu tiên thực hiện Luật BHYT, tỷ lệ bao phủ BHYT là 58% dân số, tăng 11% so với năm 2008. Năm 2015 thực hiện Luật BHYT sửa đổi bổ sung, số người tham gia BHYT là 68,5 triệu người đạt tỷ lệ bao phủ BHYT 74,9% dân số. Tính đến 31/12/2023, số người tham gia BHYT có 93,307 triệu người tham gia BHYT, tăng 2,45% so với cùng kỳ năm 2022, chiếm khoảng 93,35% dân số (vượt 0,15% so với Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ). 

Từ khi triển khai Luật BHYT chính sách khám chữa bệnh (KCB) BHYT đạt được nhiều kết quả, khẳng định sự đúng đắn, phù hợp trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Quyền lợi về KCB BHYT tương đối toàn diện và ngày càng được mở rộng. Danh mục thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật ngày càng mở rộng, sử dụng ở nhiều đơn vị y tế, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận, đảm bảo quyền lợi của người có thẻ khi đến cơ sở y tế. Quy định thông tuyến đã tạo động lực cho các cơ sở y tế - nơi người có thẻ BHYT đăng ký KCB ban đầu và các cơ sở KCB thuộc tất cả các tuyến nỗ lực nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của người tham gia BHYT. Chất lượng KCB ngày càng được nâng cao, đáp ứng nhu cầu ngày một tốt hơn của người bệnh có thẻ BHYT. Quỹ BHYT được BHXH Việt Nam quản lý tập trung, thống nhất, công khai, minh bạch và có sự phân cấp quản lý trong hệ thống tổ chức BHYT theo đúng quy định của Luật BHYT.

Tất cả các cơ sở này đã kết nối với Hệ thống thông tin giám định của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, tỷ lệ liên thông dữ liệu trong ngày đạt 94,5%. Quyền lợi của người tham gia BHYT cơ bản được đảm bảo theo quy định. Cùng với đó, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản chấn chỉnh các tồn tại trong công tác giám định, thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT; chấn chỉnh hoạt động chuyển người bệnh giữa các cơ sở y tế, hướng dẫn giải quyết các khó khăn, vướng mắc của địa phương, trả lời, xử lý nhiều vấn đề vướng mắc kéo dài, nghiêm trọng như làm giả hồ sơ khống để khám chữa bệnh BHYT, trục lợi Quỹ BHYT.

Tuy nhiên bên cạnh đó, dù mang lại nhiều hiệu quả tuy nhiên Luật BHYT vẫn gặp nhiều vướng mắc, ảnh hưởng đến quá trình đảm bảo quyền lợi người tham gia BHYT và tác động đến cơ sở y tế. Còn nhiều lỗ hổng khiến cho công tác quản lý BHYT chưa chặt chẽ. Tại hội nghị, đại biểu tập trung thảo luận, cho ý kiến sửa đổi Luật BHYT trong thời gian tới.

Hiện nay, Bộ Y tế trong quá trình soạn thảo, hoàn thiện hồ sơ liên quan đến Luật BHYT sửa đổi, Luật Thiết bị, Luật Dược sửa đổi… để trình theo đúng tinh thần Nghị quyết 99/2023/QH15 của Quốc hội. Theo đề xuất của Cục BHYT có 2 phương án lựa chọn sửa đổi đổi mới để trình cấp thẩm quyền cụ thể:

Phương án 1: Giữ nguyên bố cục của Luật về cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện như hiện nay, chỉ sửa, bổ sung một số điều để giải quyết một số bất cập, vướng mắc (giải thích từ ngữ, trách nhiệm của các Bộ, ngành, đối tượng tham gia BHYT, mức hưởng khi đi KCB không đúng quy định…).

Phương án 2: Sửa đổi, bổ sung Luật, giải quyết triệt để những tồn tại, bất cập: Cơ cấu lại việc hỗ trợ đóng BHYT từ ngân sách nhà nước; quy định về các gói BHYT. Phương án này thì cần phải sửa nhiều điều, thay đổi Luật, đòi hỏi phải có thời gian nhưng sẽ bảo đảm tính khoa học, thống nhất, minh bạch, xác định trách nhiệm rõ ràng, tránh chồng chéo, nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý trong chỉ đạo thực hiện chính sách.

Phát biểu tại hội nghịđồng chí Nguyễn Đức Hoà - Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam đã ghi nhận những kết quả của Bộ Y tế đã đạt được trong những năm qua. Đồng thời xác định nhiệm vụ trong thời gian tới còn rất nhiều vấn đề cần phối hợp giải quyết giữa Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và Bộ Y tế với xuất của Bộ Y tế về các nhiệm vụ trọng tâm năm 2024. Nhiệm vụ trọng tâm là việc xây dựng Luật Bảo hiểm Y tế sửa đổi bổ sung và các văn bản hướng dẫn sau khi được ban hành. Cùng với đó, tiếp tục theo sát tiến độ xây dựng để tham gia ý kiến đối với các văn bản quy phạm liên quan đến chính sách khám, chữa bệnh, chính sách BHYT. Trong thời gian tới, hai ngành sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ để tập trung rà soát và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về BHYT để ban hành, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, khắc phục bất cập trong tổ chức thực hiện nhằm phát triển người tham gia BHYT... đồng thời tìm ra các phương án tối ưu để hướng tới mục tiêu lâu dài trong chăm sóc sức khỏe, đảm bảo lợi ích của người tham gia BHYT.

Bài, ảnh: Thành Luân

Tập huấn phương pháp nghiên cứu khoa học

Tháng 1 25

Trong 2 ngày 23-24/1/2024, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Kạn đã phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, tổ chức lớp tập huấn phương pháp nghiên cứu khoa học cho hơn 70 học viên là các bác sỹ của Trung tâm.

 

 

Cổng thông tin điện tử Sở Y tế tỉnh Bắc Kạn

Tên cơ quan chủ quản: Sở Y tế tỉnh Bắc Kạn

Điện thoại :(+84).2093.870.580 - Fax : (+84).2093.873.585 

Địa chỉ: Tổ 7B - phường Đức Xuân - thành phố Bắc Kạn - Tỉnh Bắc Kạn

Địa chỉ mail: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

Trưởng Ban biên tập: TTƯT. Tạc Văn Nam - Giám đốc Sở Y tế

Chung nhan Tin Nhiem Mang