Leo Magazine - шаблон joomla Окна

Nhằm thực hiện tốt Pháp lệnh ưu đãi Người có công, từ tháng 03 năm 2016 Trung tâm Điều dưỡng Người có công và bảo trợ xã hội đã lên kế hoạch phối hợp với Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe tỉnh Bắc Kạn tổ chức luân phiên các đợt tuyên truyền, tư vấn nâng cao sức khỏe và dự phòng bệnh tật cho các đại biểu là người có công đến từ các địa phương trong tỉnh nhân các dịp điều dưỡng tại Trung tâm.

Ngày 19/5/2016 Chi bộ Trường Trung cấp y tế Bắc Kạn trang trọng tổ chức Lễ kết nạp đảng viên cho 02 quần chúng ưu tú Sầm Thị Hạnh Hiền và Lục Thị Liễu. Đến dự buổi lễ có Đồng chí Nguyễn Tiến Tôn (Ủy viên Ban thường vụ Đảng ủy, Phó Giám đốc sở Y tế), cùng toàn thể đảng viên trong Chi bộ Nhà trường.

Dân gian có câu “Gái chửa, cửa mả”, hàm ý nôm na của câu này có thể hiểu: Ngoài niềm hạnh phúc được làm mẹ, thì khi mang thai có rất nhiều nguy cơ tiềm ẩn liên quan trực tiếp tới sức khỏe, tính mạng của thai phụ và thai nhi. Do vậy, chương trình “Làm mẹ an toàn”((LMAT)giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ và trẻ sơ sinh ) luôn khuyến cáo các phụ nữ có thai cần đi khám thai theo định kỳ (ít nhất là 3 lần trong 3 thời kỳ thai nghén), tiêm vắc xin phòng uốn ván theo quy định, dinh dưỡng đầy đủ, nghỉ ngơi, làm việc hợp lý và điều đặc biệt quan trọng là phải chọn nơi đẻ an toàn tại các cơ sở y tế nhằm tránh các tai biến sản khoa.

Cán bộ TTYT huyện Pác Nặm khám thai tại các Cụm xã trên địa bàn.

Những con số không mong muốn.

Thống kê cụ thể tỷ lệ đẻ tại nhà/tổng số ca đẻ và số ca đẻ không có cán bộ y tế(CBYT) can thiệp tại huyện Pác Nặm  lần lượt 5 năm gần đây cho thấy: Năm 2011 (329/586 ca chiếm 56,1%, trong đó số không có CBYT đỡ là 304/329 ca = 92,4%); Năm 2012(294/700 ca, chiếm 42%, đẻ không có CBYT đỡ là 77/294=26,2%); Năm 2013 (339/698 ca, chiếm 48,6%, đẻ không có CBYT đỡ là 121/339=35,7%); Năm 2014 (313/634 ca, chiếm 49,3%, đẻ không có CBYT đỡ là 125/313=55,4%); Năm 2015 (344/824 ca chiếm 41,7%, đẻ không CBYT đỡ là 223/344=64,9%);

Chỉ tính riêng gần 5 tháng đầu năm 2016 này, trong số 283 ca đẻ tại 10 xã của huyện Pác Nặm thì 104 ca là đẻ tại nhà (chiếm 36,8%), trong đó có 64 trường hợp không do cán bộ y tế đỡ (chiếm 61,6%).

Đến nơi tỷ lệ đẻ tại nhà cao nhất để tìm câu trả lời

Chúng tôi đến xã Cổ Linh (một trong những xã có tỷ lệ đẻ tại nhà cao) vào một ngày đầu tháng 5/2016, người dẫn đường cho chúng tôi từ Trung tâm xã vượt qua hơn 10 km đi xe máy và hơn 2 km đi bộ ngược dốc lên thôn Lủng Vài là y sỹ Lành Thị Bay (Cán bộ Trạm y tế xã Cổ Linh), cùng với thôn Lủng Nghè và Cốc Nghè thì Lủng Vài là một trong 3 thôn trong xã chủ yếu là người dân tộc Mông sinh sống, thôn có 80 hộ với 397 nhân khẩu. Chúng tôi vất vả đi bộ  vượt qua những con đường ngoằn nghèo với độ dốc khá lớn, đồng nghiệp của tôi có người phải bỏ cuộc, ở lại ngay khi gặp phải nếp nhà đầu tiên của thôn. Trải nghiệm đường xá và khi đến với từng gia đình, chứng kiến những khó khăn vất vả về điều kiện sống, nhìn địa hình, địa vật và hoàn cảnh kinh tế của người dân nơi đây đã phần nào trả lời cho câu hỏi mà chúng tôi đang đi tìm hiểu.

Pác Nặm là huyện khó khăn nhất của tỉnh Bắc Kạn, là một trong 62 huyện nghèo của cả nước theo Nghị quyết số 30/A/2008/NQ-CP của Chính phủ.  Với dân số khoảng 32.000 người (trong đó có nhiều người dân tộc Mông, Dao), số phụ nữ  đang ở độ tuổi sinh đẻ từ 15-49 tuổi có chồng khoảng 8.600 người(chiếm 26%). Thống kê những năm gần đây, tỷ lệ đẻ tại nhà ở các xã thuộc huyện Pác Nặm luôn chiếm cao nhất so với các địa phương khác trong tỉnh, trong số đẻ tại nhà này, thì tỷ lệ có cán bộ y tế (CBYT) đỡ rất thấp, cá biệt thống kê năm 2011: 92,4% số đẻ tại nhà là do người nhà hoặc các “mụ vườn” tự đỡ, không có can thiệp của cán bộ y tế.

 Nếu không xác định rõ các nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ đẻ tại nhà cao như hiện nay và đưa ra giải pháp phù hợp, thì đây sẽ là một vấn đề sức khỏe đáng lo ngại, khi hành vi đẻ tại nhà có nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của người mẹ và trẻ sơ sinh do tai biến sản khoa không được xử lý kịp thời.

 

Đường đi đến thôn Lủng Vài rất khó khăn, nên học sinh trong thôn đi lại rất vất vả.

Nếp nhà lợp Fibro xi măng, được quây xung quanh bằng những tấm gỗ bìa và liếp tre nứa của gia đình vợ chồng anh Hầu Văn Chinh và chị Hoàng Thị Si nằm chênh vênh trên sườn núi. Chưa đến 30 tuổi nhưng anh chị đã có 3 con, khi được hỏi về nơi đẻ của các cháu, chị Si cho biết “Cả 3 đứa đều đau đẻ về buổi đêm, đường xá đi lại khó khăn, nên vợ chồng em gọi mẹ chồng đỡ luôn, không ra Trạm Y tế nữa. Hơn nữa gia đình khó khăn không có tiền, mặc dù có thẻ Bảo hiểm y tế, nhưng nếu đi đẻ ở Trạm hoặc Bệnh viện cũng mất vài ngày, không có tiền ăn, tiền đi lại nên đành đẻ ở nhà”.

Đi dọc sườn dốc tới lưng chừng núi của thôn Lủng Vài, đến nhà chị Giàng Thị Kia, nhìn 2 cháu nhỏ nheo nhóc thấy ái ngại cho gia cảnh của chị. Bụng mang bầu đứa con thứ ba đã gần tới tháng đẻ mà chị vẫn địu một đứa nhỏ sau lưng, dắt trâu đi chăn, chị kể: “Hai đứa con đều đẻ tại nhà, xa Trạm Y tế nên không đi khám thai được, lần này có cán bộ y tế xã đến khám cho tại nhà, nếu không thì bụng mang dạ chửa, đi từ đây xuống đến đường chính, nếu chẳng may bị ngã có thể gây sảy thai - nên không dám đi”. Khi được hỏi: Lần này có đến đẻ tại Trạm y tế xã không? Chị chỉ lắc đầu rồi nói: “Xa lắm, cán bộ vận động nhiều rồi nhưng chắc lại nhờ người đỡ ở nhà thôi..!!!”  

Chị Giàng Thị Kia (thôn Lủng Vài) xã Cổ Linh (Pác nặm).

Tìm đến nhà Bà Dương Thị Vành (dân tộc Mông), một người đã nhiều lần đỡ đẻ tại nhà cho phụ nữ trong thôn, bà không biết nói tiếng Kinh, chúng tôi phải nhờ người phiên dịch thì hai bên mới trao đổi được, trong câu chuyện, khi được hỏi về những trường hợp bà đỡ đẻ, bà nói: “Tôi có sáu đứa con, đứa con dâu ở cùng này đã đẻ 3 đứa con đều do tôi đỡ ở nhà, tôi chưa được các cán bộ y tế hướng dẫn cách đỡ đẻ, nhưng khi đứa trẻ đẻ ra tôi cũng lấy kéo cắt dây rốn và lau qua đứa trẻ là xong, cũng rất sợ có tai biến xảy ra, nhưng đường xa, nhà nghèo không đến Trạm đẻ được, mọi người nhờ là tôi đến đỡ!!!”.

Từ những yếu tố trên dẫn đến tình trạng phụ nữ có thai nơi đây khi đến ngày sinh nở thì người nhà lại tự đỡ đẻ cho nhau, lâu dần thành “tập quán” khó thay đổi, trong khi rất nhiều nguy hiểm luôn cận kề vì tai biến sản khoa có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong cuộc đẻ.

Những hệ lụy của đẻ tại nhà và nguyên nhân chính

Thống kê lưu tại Trung tâm y tế Pác Nặm những năm gần đây cho thấy, năm nào cũng xảy ra các ca tai biến sản khoa do đẻ tại nhà không có cán bộ y tế (CBYT) đỡ, 4 năm liền (từ năm 2012-2015) với 01 ca sản giật và 03 ca tử vong mẹ (Tại xã Nghiên Loan: Sản phụ Lý Thị X.19 tuổi, tử vong do ngôi ngược đẻ tại nhà, rau không bong, chảy máu nhiều; Tại xã Giáo Hiệu: sản phụ Ma Thị M.32 tuổi, tử vong sau đẻ tại nhà/bệnh nhân suy tim; Tại xã Cổ Linh: sản phụ Hoàng Thị G.17 tuổi: tử vong sau đẻ tại nhà, rau không bong, shock do mất máu)và nhiều ca tai biến sản khoa khác nhưng may mắn không nguy hiểm đến tính mạng song lại ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của sản phụ và thai nhi.

Trao đổi với BsCK1.Ma Thị Sao (Phó giám đốc Trung tâm y tế huyện Pác Nặm) được biết: Khoa Ngoại Sản hiện đã có 4 bác sỹ; Trang thiết bị và tay nghề của thầy thuốc cơ bản thực hiện được các ca như: Đỡ đẻ thường; Phẫu thuật lấy thai lần 1, lần 2; Mổ cắt tử cung bán phần; Mổ chửa ngoài tử cung vỡ; Cắt u nang buồng trứng…Hàng năm trung bình khoa tiếp nhận đỡ đẻ thường và phẫu thuật khoảng 60-100 ca sản khoa các loại, chỉ tính gần 5 tháng đầu năm 2016 đã phẫu thuật lấy thai 52/132 ca. Tại tuyến xã hiện 7/10 Trạm Y tế đã có bác sỹ công tác, mỗi trạm  trung bình có 5 cán bộ y tế. Như vậy xét về nhân lực, trang thiết bị và trình độ chuyên môn tại TTYT Pác Nặm và các Trạm Y tế xã cơ bản đã đáp ứng được lĩnh vực quản lý thai nghén và đỡ đẻ theo quy định.

Đem câu chuyện này trao đổi với các cán bộ trực tiếp thực hiện trong chương trình chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS), Bác sỹ CK1.Đoàn Thị Hồng (Đội trưởng Đội Chăm sóc sức khỏe sinh sản, TTYT huyện Pác Nặm) cho chúng tôi rõ thêm: Pác Nặm là huyện có số lượng lớn người dân tộc Mông, Dao, tập quán sinh sống của họ thường ngụ cư chủ yếu ở trên các sườn núi, đường đi lại rất khó khăn, do đó khoảng cách từ nhà đến Trạm y tế là một trở ngại cho người dân và phụ nữ có thai khi tiếp cận các dịch vụ y tế. Ngoài yếu tố phong tục tập quán của người dân tộc Mông, Dao, thì con số 87/119 nhân viên y tế thôn bản (NVYTTB) là nam giới (chiếm 73%) cũng là một trong những trở ngại lớn trong tuyên truyền vận động và trực tiếp đỡ đẻ (do các NVYTTB này phần lớn có tuổi đời cao, ngang tuổi cha, chú của các thai phụ, nên các cặp vợ chồng thường e ngại không muốn NVYTTB là nam giới thăm khám). Việc đào tạo “cô đỡ thôn bản” đã được triển khai, tuy nhiên hiện toàn huyện Pác Nặm chỉ còn 10 người đã được đào tạo đang hoạt động, trong đó có 7“cô đỡ” kiêm NVYTTB và chỉ có 3 “cô đỡ” thuộc thôn vùng cao. Tại những thôn, bản vùng cao cần thiết phải có “cô đỡ thôn bản” thì việc tìm người đi đào tạo cũng không phải đơn giản, nhiều thôn không thể có nhân lực đủ tiêu chuẩn để cử đi học. Các cán bộ y tế từ huyện đến thôn bản cũng thường xuyên tổ chức các buổi tư vấn, truyền thông, tuy nhiên việc cán bộ y tế chủ yếu là dân tộc Tày, rất ít người biết nói tiếng Dao, Mông nên vấn đề bất đồng ngôn ngữ cũng ảnh hưởng lớn đến công tác tuyên truyền, vận động…

CB Trạm Y tế xã Nhạn Môn tổ chức các đợt khám thai tại Trạm và tại các điểm dân cư cho thai phụ.

Cần có các giải pháp phù hợp

Trước thực trạng đó, ngành y tế Bắc Kạn cũng đã có nhiều cuộc giám sát, họp bàn, hội thảo, tập huấn và ban hành nhiều văn bản chỉ đạo vấn đề này, nhưng  những yếu tố khách quan thì không dễ gì giải quyết ngay trong thời điểm hiện tại như: Vấn đề kinh tế hộ gia đình khó khăn; Khoảng cách tiếp cận dịch vụ y tế; Hay việc yêu cầu nhân viên y tế thôn bản phải là nữ giới để tiếp cận với phụ nữ người Mông, người Dao được thuận lợi…là một trong những thách thức rất lớn của hoạt động CSSKSS cho phụ nữ nơi đây.

Qua giám sát và trao đổi trực tiếp với Ban giám đốc của Trung tâm y tế Pác Nặm cho thấy: Thời gian qua, đơn vị đã tích cực tham mưu cho Ban chăm sóc sức khỏe nhân dân huyện, đồng thời chỉ đạo và trực tiếp thực hiện các giải pháp như: Phối hợp các ban ngành đoàn thể liên quan, đẩy mạnh công tác tuyên truyền và tăng cường công tác quản lý thai nghén bằng việc: Trạm y tế cần lên lịch, kế hoạch cụ thể hằng tháng, thông báo và mời các phụ nữ có thai đến từng địa điểm cố định để khám, tư vấn, tiêm phòng uốn ván…theo cụm dân cư hoặc cử CBYT đến từng nhà khám thai, tiện cho việc đi lại của thai phụ; Chỉ đạo cộng tác viên dân số, NVYTTB phát hiện sớm những trường hợp có thai, tuyên truyền, tư vấn, vận động hoặc mời để họ đến các điểm khám thai và đi đến cơ sở y tế đẻ; Chuẩn bị các dụng cụ, gói đẻ sạch, thuốc men…cần thiết cho cán bộ Trạm y tế, cô đỡ và NVYTTB phục vụ kịp thời các cuộc đẻ tại nhà không thể đến cơ sở y tế để đẻ; Đưa tiêu chí “giảm tỷ lệ đẻ tại nhà, tăng tỷ lệ khám thai đủ 3 lần” vào công tác thi đua trong hoạt động của 10/10 Trạm y tế trên địa bàn huyện Pác Nặm…

Y sỹ sản nhi Lành Thị Bay (CBYT Trạm Y tế xã Cổ Linh) tuyên truyền cho các thai phụ về các dấu hiệu nguy hiểm và tư vấn đến đẻ tại Trạm y tế.

            Tóm lại: Tập quán sinh đẻ tại nhà, tự đẻ, tự đỡ hoặc mời những người không có chuyên môn y tế đến nhà đỡ đẻ không được ngành y tế khuyến cáo. Những giải pháp hiện tại mà ngành y tế Bắc Kạn và TTYT huyện Pác Nặm đang thực hiện là phù hợp với thực tế. Song song với các biện pháp này, thiết nghĩ cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của Ban CSSKND các cấp cần quan tâm, ưu tiên đến vấn đề sức khỏe nổi cộm này, nhằm làm tăng tỷ lệ phụ nữ có thai được quản lý thai nghén theo đúng quy định, giảm tỷ lệ đẻ tại nhà và giảm thiểu tai biến sản khoa đến mức thấp nhất. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ cơ bản trong công tác Chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em trong thời điểm hiện nay./.

Tác giả: BsCK2. Tạc Văn Nam

 (Giám đốc Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe tỉnh Bắc Kạn)

 

Hưởng ứng sự kiện “Tuần lễ tiêm chủng” do Tổ chức Y tế thế giới khu vực Tây Thái Bình Dương phát động, thực hiện công văn số 570/VSDTTƯ-TCQG ngày 27/4/2016 của Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương, trong thời gian từ ngày 9 đến 15/5/2016 cùng chung với cả nước, ngành Y tế Bắc Kạn đã và đang triển khai nhiều hoạt động dưới nhiều hình thức như truyền thông trên hệ thống loa, đài địa phương để chuyển tải thông điệp về lợi ích và sự cần thiết của tiêm chủng đến cộng đồng dân cư hướng tới thu hẹp khoảng cách trong tiêm chủng.

Ngày 18/5/2016, Ban Quản lý Dự án Phòng chống Sốt rét quỹ toàn cầu  tỉnh Bắc Kạn tổ chức Hội nghị tổng kết năm 2015 và triển khai kế hoạch hoạt động năm 2016. Dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Tiến Tôn (Phó giám đốc Sở Y tế), đồng chí Nông Văn Kiếm (Phó Giám đốc Sở Y tế- Trưởng Ban QLDA ). Lãnh đạo Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe,  Phòng PA 83 Công an tỉnh Bắc Kạn, thành viên Ban QLDA của các huyện triển khai dự án.

Ngày 15/05/2016, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến đã có chuyến thăm và làm việc với ngành y tế Bắc Kạn, tham gia đoàn công tác có đồng chí Nguyễn Minh Lợi (Phó Cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo - Bộ Y tế), Lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa TW Thái Nguyên… Đón tiếp đoàn có đồng chí Lý Thái Hải (Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh); Tiến sỹ Nguyễn Đình Học (Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Y tế); Lãnh đạo Văn phòng Tỉnh ủy và Lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc ngành y tế Bắc Kạn.

 

 

Cổng thông tin điện tử Sở Y tế tỉnh Bắc Kạn

Tên cơ quan chủ quản: Sở Y tế tỉnh Bắc Kạn

Điện thoại :(+84).2093.870.580 - Fax : (+84).2093.873.585 

Địa chỉ: Tổ 7B - phường Đức Xuân - thành phố Bắc Kạn - Tỉnh Bắc Kạn

Địa chỉ mail: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

Trưởng Ban biên tập: TTƯT. Tạc Văn Nam - Giám đốc Sở Y tế

Chung nhan Tin Nhiem Mang