Leo Magazine - шаблон joomla Окна

Ngày Sức khỏe Thế giới, được tổ chức hàng năm vào ngày 7 tháng 4, đánh dấu kỷ niệm ngày thành lập Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vào năm 1948 và mỗi năm tập trung vào một vấn đề sức khỏe cộng đồng cụ thể. Ngoài việc tập trung vào hành trình đạt được Sức khỏe cho mọi người, là chủ đề của năm nay, WHO sẽ kỷ niệm 75 năm thành lập với chủ đề 75 năm cải thiện sức khỏe cộng đồng.

85bc20ba917d4d23146c

75 năm qua, WHO nỗ lực vì mục tiêu sức khỏe cho mọi người (ST)

Trong bối cảnh đại dịch diễn biến phức tạp trên thế giới nói chung, môi trường ô nhiễm, gia tăng các bệnh như ung thư, hen suyễn, tim mạch, vào Ngày Sức khỏe Thế giới năm 2023, với chủ đề “ Sức khỏe cho mọi người”; Kỷ niệm 75 năm thành lập WHO là cơ hội để nhìn lại những thành công về sức khỏe cộng đồng đã giúp cải thiện chất lượng cuộc sống trong bảy thập kỷ qua. Đây cũng là cơ hội để thúc đẩy hành động nhằm giải quyết các thách thức về sức khỏe của hôm nay ̶ và mai sau.

Theo người đứng đầu WHO, thế giới đang cùng lúc đối mặt nhiều thách thức về y tế, khi đại dịch Covid-19 vẫn chưa kết thúc, bệnh đậu mùa khỉ, Marburg, các dịch sốt xuất huyết bùng phát trở lại tại nhiều nước.

Ngoài ra, những lo ngại về sức khỏe tâm thần của người dân ngày càng hiện hữu rõ nét. WHO cho biết, đại dịch Covid-19 bùng phát từ đầu năm 2020 đã gây ra một cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần toàn cầu, khiến hàng trăm triệu người mắc bệnh ở nhiều mức độ khác nhau. Theo nghiên cứu mới đây của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ, tình trạng gián đoạn xã hội và giáo dục trong giai đoạn đại dịch Covid-19 đã làm trầm trọng thêm mối lo ngại về sức khỏe tâm thần và hành vi tự sát của thanh thiếu niên tại nước này.

Các dịch bệnh bùng phát cùng lúc như hiện nay đang đặt ra nhu cầu cấp thiết không chỉ trong việc củng cố hệ thống y tế tại các nước, mà còn tăng cường sự phối hợp giữa các quốc gia và tổ chức quốc tế nhằm phát hiện và giải quyết các mối đe dọa tiềm tàng đối với sức khỏe người dân.

Tập trung xử lý tận gốc những nguyên nhân dẫn đến các mối đe dọa đối với sức khỏe người dân thông qua việc mở rộng năng lực ứng phó các bệnh truyền nhiễm mới lây từ động vật sang người, bệnh có nguồn gốc từ động vật, bệnh nhiệt đới và do vật trung gian lây truyền, đồng thời ngăn chặn các nguy cơ về an toàn thực phẩm, tình trạng kháng thuốc kháng sinh.

 WHO đã và đang giải quyết những thách thức chính cho sứ mệnh của mình: dẫn đầu các nỗ lực nhằm cải thiện các điều kiện xã hội để mọi người được sinh ra, lớn lên, làm việc, sống và già đi với sức khỏe tốt.  Do đó, mục tiêu đạt được Sức khỏe cho mọi người ngày nay vẫn quan trọng như cách đây 75 năm. Đối với WHO, đây vẫn là một lộ trình quan trọng để đạt được Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) 3 của Liên Hợp Quốc, được củng cố bởi 16 SDG khác sẽ đạt được vào năm 2030. 

Phương Thào (tổng hợp)

Sáng 06/4, Sở Y tế tổ chức giao ban nhằm đánh giá kết quả công tác của quý I, đề ra nhiệm vụ trọng tâm của quý II năm 2023. TTƯT.BsCKII Tạc Văn Nam, Tỉnh uỷ viên, Bí thư Đảng bộ, Giám đốc Sở Y tế chủ trì hội nghị.

z4242873373367 0897130369113ea4811ab0d93db4529b Luan 2

Ảnh: Quang cảnh hội nghị.

Theo báo cáo tại hội nghị, trong quý I năm 2023, toàn ngành thực hiện tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao. Các nội dung thuộc công tác quản lý, điều hành được triển khai đầy đủ. Về công tác chuyên môn, toàn ngành chủ động triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh ngay từ đầu năm; giám sát chặt chẽ tình hình bệnh dịch phát sinh theo mùa, nhất là dịch bệnh Covid-19.

Tại huyện Ngân Sơn ghi nhận 02 ổ dịch thủy đậu, tổng số ca mắc 59 trường hợp, không ghi nhận ca bệnh nặng cần nhập viện điều trị; một số bệnh truyền nhiễm gây dịch xảy ra rải rác ở các huyện/thành phố đã được các cơ sở y tế phát hiện sớm, cách ly và dập tắt kịp thời.

Tổng vắc xin phòng Covid-19 tỉnh được phân bổ và đã tiếp nhận là 6.800 liều; tính đến ngày 03/4 đã tiêm 6.570 liều. Tính đến ngày 03/4, trên địa bàn tỉnh có 10 người bệnh Covid-19, hiện tại 8/10 ca bệnh đã điều trị khỏi, 02 ca bệnh đang cách ly, điều trị tại nhà. Tổng số lần khám, chữa bệnh là 141.050 lượt người, tăng 18,3% so với cùng kỳ năm 2022; công suất sử dụng giường bệnh đạt 98,2% (cùng kỳ năm 2022 đạt 88,9%).

Các chương trình y tế được triển khai hiệu quả. Ngành đã chỉ đạo trung tâm y tế tuyến huyện rà soát, duy trì và xây dựng xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã năm 2023 theo các quyết định của Bộ Y tế và Kế hoạch số 219/KH-UBND ngày 28/3/2023 của UBND tỉnh về thực hiện xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn năm 2023...

Hội nghị thống nhất đề ra nhiệm vụ trọng tâm của quý II năm 2023 như chủ động tham mưu chỉ đạo, tổ chức triển khai tốt các hoạt động phòng, chống dịch trên địa bàn; tăng cường chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, tiêm vắc xin phòng COVID-19.

Tiếp tục triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tại các tuyến; thực hiện tốt nội quy, quy chế chuyên môn; triển khai hiệu quả, an toàn phòng, chống dịch trong cơ sở khám, chữa bệnh; đẩy nhanh triển khai bệnh án điện tử, kê đơn thuốc điện tử tại các cơ sở khám, chữa bệnh công lập và ngoài công lập theo đúng lộ trình quy định của Bộ Y tế.

Bài, ảnh: Thành Luân

Hiện nay trên địa bàn thành phố Bắc Kạn đang xuất hiện ổ dịch thủy Đậu tại trường Tiểu học Phùng Chí Kiên. Ca mắc đầu tiên xuất hiện từ ngày 09/3/2023(đã khỏi và đi học), tính đến ngày 24/3/2023, phát hiện 19 học sinh mắc, tập chung chủ yếu tại lớp 1E và lớp 4C.

z4238992594506 a83d73c905420cbe87bbd21a085b625d

Bác sỹ thăm khám bệnh nhi mắc thủy đậu tại Trung tâm Y tế thành phố Bắc Kạn

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Y tế thành phố, trong 3 tháng đầu năm 2023, các xã, phường trên địa bàn thành phố cũng ghi nhận rải rác ca mắc, với tổng số 27 ca. Các ca mắc đã được hướng dẫn cách ly, điều trị kịp thời.

Bệnh thủy đậu là một bệnh cấp tính do nhiễm vi rút Varicella Zoter gây ra (bệnh thủy đậu ở trẻ em và bệnh Zona ở người lớn). Vi rút có khả năng sống được vài ngày trong vẩy thủy đậu khi bong ra tồn tại trong không khí. Bệnh rất dễ lây lan, lây truyền từ người sang người qua đường hô hấp thông qua tiếp xúc trực tiếp, qua dịch tiết mũi họng, dịch từ nốt phỏng thủy đậu.

Khi bị bệnh thường có biểu hiện mệt mỏi, nhức đầu, sốt, chảy nước mũi, đau họng và trên da xuất hiện các nốt ban đỏ bắt đầu ở vùng đầu, mắt rồi lan ra toàn thân.

Thời kỳ lây truyền của bệnh là 1-2 ngày trước khi phát ban và trong vòng 5 ngày sau khi xuất hiện nốt bọng nước đầu tiên, khi vỡ để lại sẹo lõm trên da nếu không được chăm sóc, điều trị đúng cách. Bệnh kéo dài từ 7 - 10 ngày.

Bệnh thủy đậu là bệnh lành tính, không có triệu chứng nặng nề ngoài những mụn nước nhưng rất dễ nhiễm trùng da nơi mọc mụn nước có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết, viêm não tuy ít xảy ra. Phụ nữ mang thai mắc bệnh thủy đậu sẽ rất nguy hiểm cho thai nhi, có thể gây sẩy thai hoặc để lại dị tật cho thai nhi. Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi.

Mùa xuân thời tiết nồm ẩm là thời điểm bệnh thủy Đậu bùng phát mạnh nhất.Để chủ động phòng tránh bệnh thủy đậu, ngành y tế khuyến cáo người dân thực hiện một số biện pháp sau:

1. Hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh để phòng tránh lây lan.

2. Những trường hợp mắc bệnh thuỷ đậu cần được nghỉ học hoặc nghỉ làm việc từ 7 đến 10 ngày từ lúc khi bắt đầu phát hiện bệnh để tránh lây lan cho những người xung quanh.

3. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng các đồ dùng sinh hoạt riêng, vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng dung dịch nước muối sinh lý.

4. Thực hiện vệ sinh nhà cửa, trường học và vật dụng sinh hoạt bằng dung dịch sát khuẩn thông thường.

5. Tiêm vắc xin phòng bệnh thủy đậu cho trẻ em từ 12 tháng tuổi./.

Bác sỹ Hà Thị Đượm (TTYT thành phố Bắc Kạn)

Theo số liệu thống kê của ngành y tế Bắc Kạn, tính đến ngày 29/3 trên địa bàn tỉnh ghi nhận 109 trường hợp mắc thuỷ đậu. Các ca mắc thuỷ đậu ghi nhận ở 6/8 huyện, thành phố, trong đó 02 huyện có số mắc cao, như: Ngân Sơn với 60 ca, Ba Bể 33 ca. Số ca mắc thủy đậu ghi nhận tăng hơn so với cùng kỳ năm 2022, người bệnh phần lớn ở nhóm tuổi mầm non và tiểu học. 

 70fd0512c37c1f22466d

Ảnh minh họa bệnh thủy đậu

Theo Cục Y tế dự phòng, thủy đậu là bệnh cấp tính do nhiễm virus Varicella Zoter (gây ra bệnh thủy đậu ở trẻ em và bệnh zona ở người lớn). Virus có khả năng sống được vài ngày trong vẩy thủy đậu khi bong ra tồn tại trong không khí. Bệnh rất dễ lây lan, lây truyền từ người sang người qua đường hô hấp thông qua tiếp xúc trực tiếp, qua dịch tiết mũi họng, dịch từ nốt phỏng thủy đậu.

Khi bị bệnh thường có biểu hiện mệt mỏi, nhức đầu, sốt nhẹ, chảy nước mũi, đau họng và trên da xuất hiện các nốt ban đỏ bắt đầu ở vùng đầu, mặt rồi lan ra toàn thân. Thời kỳ lây truyền của bệnh là 1 - 2 ngày trước khi phát ban và trong vòng 5 ngày sau khi xuất hiện nốt bọng nước đầu tiên. Bệnh thường kéo dài từ 7 - 10 ngày.

Bệnh thủy đậu là bệnh lành tính, không có triệu chứng nặng nề ngoài những mụn nước nhưng rất dễ gây nhiễm trùng da nơi mọc mụn nước, có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết, viêm não tuy ít xảy ra. Phụ nữ mang thai mắc bệnh thủy đậu sẽ rất nguy hiểm cho thai nhi, có thể gây sảy thai hoặc để lại dị tật cho thai nhi. Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi, thường gặp vào mùa đông xuân.

Các chuyên gia y tế cho biết, thủy đậu ở trẻ sơ sinh là một bệnh nặng (nặng hơn so với thủy đậu trẻ em hoặc người lớn) với nguy cơ tử vong cao lên đến 30% do tổn thương đa cơ quan. Nếu không được điều trị bệnh kịp thời và đúng phác đồ thì trẻ có thể gặp các biến chứng nguy hiểm như suy hô hấp, sốc nhiễm trùng nhiễm độc, bội nhiễm vi khuẩn, các biến chứng về thần kinh. Hoặc 1 số biến chứng khác như suy thượng thận, viêm cầu thận, tổn thương mắt, thậm chí là tử vong.

b108569190ff4ca115ee

Tiêm vắc xin phòng bệnh truyền nhiễm cho trẻ em, tại Trạm y tế xã Dương Phong, huyện Bạch Thông.

Để chủ động phòng tránh bệnh thủy đậu, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp sau:

Hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh để phòng tránh lây lan.

Những trường hợp mắc bệnh thuỷ đậu cần được nghỉ học hoặc nghỉ làm việc từ 7 - 10 ngày từ khi bắt đầu phát hiện bệnh để tránh lây lan cho những người xung quanh.

Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng các đồ dùng sinh hoạt riêng, vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý.

Thường xuyên vệ sinh nhà cửa, trường học, vật dụng sinh hoạt bằng các chất sát khuẩn thông thường.

Tiêm vắc xin phòng bệnh thủy đậu cho trẻ em từ 12 tháng tuổi./.

Bài và ảnh: Phương Thào

Theo thông tin từ Trung tâm Y tế Thành phố, ngày 29 tháng 3, đã phát hiện ổ dịch thủy đậu tại Trường tiểu học Phường Phùng Chí Kiên, thành phố Bắc Kạn, có 21 trẻ mắc bệnh đang được điều trị và cách ly tại nhà.

 

6483441 1

Trung tâm Y tế thành phố khám và điều trị cho các cháu mắc bệnh thuỷ đậu

Theo báo cáo của Trung tâm Y tế thành phố từ ngày 09/3 có một ca mắc thuỷ đậu đầu tiên sau đó không có một ca mắc thuỷ đậu nào xuất hiện. Đến ngày 24/3, xuất hiện 15 ca; ghi nhận đến ngày 29/3 ghi nhận 21 ca mắc thuỷ đậu. Trạm Y tế Phường Phùng Chí Kiên, đã chủ động phối hợp với trường học tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh cho học sinh; tổ chức vệ sinh môi trường, vệ sinh khử khuẩn vùng có nguy cơ cao, trường lớp, sàn nhà bằng dung dịch CloraminB.

Trung tâm Y tế Thành phố khuyến cáo người dân không nên tự ý mua thuốc tự điều trị bệnh thủy đậu, mà phải đến ngay các cơ sở y tế để khám, chẩn đoán nguyên nhân chính xác và có hướng điều trị đúng, kịp thời. để phòng bệnh cho bản thân và tránh lây truyền bệnh trong cộng đồng.

Bác sỹ Hoàng Văn Chuyền Trung tâm Kiểm – trưởng khoa phòng chống bệnh truyền nhiễm; Trung tâm kiểm soát Bệnh tật tỉnh cho biết: Bệnh thuỷ đậu do virus thuỷ đậu thuộc họ Herpesviridae gây nên. Cả trẻ em và người lớn đều có thể mắc bệnh này. Thông thường người mắc thuỷ đậu có biểu hiện sốt, phát ban, ban mọc nhiều đợt nên có thể thấy trên cùng một vùng da xuất hiện ban từ nốt sần, bọng nước, bọng nước đục cho đến nốt vảy.

Bệnh chủ yếu lành tính nhưng có thể gây biến chứng nguy hiểm. Ở trẻ em có thể dẫn đến viêm não, nhiễm trùng huyết. Ở người lớn mắc bệnh thuỷ đậu có thể gây viêm phổi tiên phát do virus và có thể gây tử vong.

Phụ nữ có thai trong 3 tháng đầu nếu bị thuỷ đậu dễ có nguy cơ sinh con mắc dị tật bẩm sinh. Về nguyên nhân gia tăng bệnh nhân mắc bệnh thuỷ đậu trong những tháng cuối năm, điều kiện thời tiết giao mùa nóng ẩm, mưa nhiều rất thuận lợi cho virus thuỷ đậu phát triển và lây lan.

Bệnh thuỷ đậu có thể chủ động phòng, chống được. Mỗi người dân cần chủ động đi tiêm vắc xin phòng bệnh thuỷ đậu đồng thời thực hiện tốt công tác vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, thực hiện rửa tay bằng nước sạch và xà phòng, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng nâng cao sức để kháng cho cơ thể; hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân mắc thuỷ đậu

Tin, ảnh: Thành Luân

Ngày 24/3 hằng năm là Ngày Thế giới phòng, chống Lao nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về bệnh Lao và nỗ lực loại trừ bệnh Laotrên toàn cầu.Việt Nam hiện vẫn là nước có gánh nặng bệnh Lao cao, là một trong 30 nước có gánh nặng bệnh Lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới.

b1fca1bfc911144f4d00

Thực hiện nhuộm soi trực tiếp phát hiện vi khuẩn lao, tại CDC Bắc Kạn.

Theo tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Việt Nam là một trong số 30 quốc gia có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao trên thế giới. Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 169.000 người mắc bệnh lao và nếu không được chữa trị, mỗi người mắc lao sẽ lây nhiễm cho trung bình từ 10 - 15 người khác.

Năm 2022, tại tỉnh Bắc Kạn, Phát hiện, quản lý, điều trị 123 bệnh nhân mắc lao mới các thể, giảm 15 ca so với năm 2021. Trong đó có 76 người bệnh Lao phổi, 47 người bệnh Lao khác. Từ đầu năm đến nay phát hiện mới, thu nhận, quản lý và điều trị 30 người bệnh Lao các thể.

Theo các chuyên gia y tế, lao là bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn lao gây ra, bệnh lây lan do vi khuẩn lao phát tán ra ngoài khi người mắc lao phổi ho, nói, hắt hơi, khạc nhổ mà vô tình người tiếp xúc gần đó có thể bị hít vào và gây bệnh tại phổi. Từ phổi, vi khuẩn lao có thể qua đường máu hay bạch huyết đến các tạng khác trong cơ thể và gây bệnh tại đó. Người mắc bệnh lao thường không tử vong ngay mà bệnh thường kéo dài âm thầm và phát hiện muộn.

Các biện pháp phòng, chống bệnh lao hiệu quả nhất hiện nay là: Tiêm vắc xin cho trẻ sơ sinh, tốt nhất là trong vòng tháng đầu tiên sau sinh trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Mọi người cần thực hiện lối sống lành mạnh, như: Không hút thuốc lá; vệ sinh môi trường sống, tạo điều kiện để không khí được lưu thông; ăn uống hợp lý, tập luyện thể dục đều đặn và khám sức khoẻ định kỳ theo hướng dẫn. Khi có triệu chứng nghi lao, như: Ho kéo dài trên 2 tuần, sốt về chiều, mệt mỏi, chán ăn, sụt cân... cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, phát hiện sớm, điều trị kịp thời và triệt để cho người mắc bệnh lao.

Đối với người đang mắc bệnh lao, cần thực hiện các biện pháp phòng, chống lây nhiễm cho người xung quanh như: phải đeo khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi, không khạc đờm bừa bãi; tuyệt đối tuân thủ điều trị Lao: Đúng, Đủ, Đều (Thuốc chữa lao được cấp miễn phí. Người dân tuyệt đối không tự ý dùng thuốc, hoặc chữa thuốc Nam hay chữa trị tại phòng khám tư).

Với chủ đề Ngày Thế giới phòng chống Lao năm 2023 trên toàn cầu là “Đúng! Chúng ta có thể chấm dứt bệnh Lao”. Chủ đề Ngày thế giới phòng chống Lao năm 2023 của Việt Nam là “Việt Nam chiến thắng bệnh Lao”, cộng đồng hãy chung tay tích cực hơn nữa trong công cuộc phòng, chống lao. Người dân cần thực hành các biện pháp phòng, chống lao, hướng tới “Việt Nam chiến thắng bệnh Lao”./.

Quỳnh Giao

 

 

Cổng thông tin điện tử Sở Y tế tỉnh Bắc Kạn

Tên cơ quan chủ quản: Sở Y tế tỉnh Bắc Kạn

Điện thoại :(+84).2093.870.580 - Fax : (+84).2093.873.585 

Địa chỉ: Tổ 7B - phường Đức Xuân - thành phố Bắc Kạn - Tỉnh Bắc Kạn

Địa chỉ mail: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

Trưởng Ban biên tập: TTƯT. Tạc Văn Nam - Giám đốc Sở Y tế

Chung nhan Tin Nhiem Mang