Leo Magazine - шаблон joomla Окна

Kế hoạch Đáp ứng với từng cấp độ dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (nCoV) của ngành Y tế tỉnh Bắc Kạn

Thứ sáu, 28 Tháng 2 2020 04:05

KẾ HOẠCH

Đáp ứng với từng cấp độ dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp

do chủng mới của vi rút Corona (nCoV) của ngành Y tế tỉnh Bắc Kạn


              Căn cứ Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm số 03/2007/QH12 ngày 21/11/2007;

Thực hiện Chỉ thị số 03/CT-BYT ngày 22/01/2020 của Bộ Y tế về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona; Thực hiệnQuyết định số 322/QĐ-BYT về việc ban hành Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị viêm đường hô hấp cấp tính do chủng vi rút Corona mới (nCoV);Thực hiệnQuyết định số 237/QĐ-BYT ngày 31/01/2020 của Bộ Y tế về việc ban hành “Kế hoạch đáp ứng với từng cấp độ dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (nCoV)”;Thực hiện Kế hoạch số 69/KH-UBND ngày 11/02/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh về đáp ứng với từng cấp độ dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona tại tỉnh Bắc Kạn;

Sở Y tế xây dựng kế hoạch Đáp ứng với từng cấp độ dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (nCoV) của ngành Y tế tỉnh Bắc Kạn, cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU

- Phát hiện sớm trường hợp viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona, xử lý kịp thời không để dịch bệnh lây lan, hạn chế đến mức thấp nhất số mắc và tử vong.

- Tập trung phòng chống dịch với tinh thần quyết liệt, chặt chẽ, kịp thời, bình tĩnh.

II. PHÂN LOẠI CẤP ĐỘ DỊCH BỆNH

1. Cấp độ 1: Có trường hợp bệnh xâm nhập.

2. Cấp độ 2: Dịch bệnh có lây nhiễm thứ phát trong tỉnh.

3. Cấp độ 3: Dịch bệnh lây lan trên 20 trường hợp mắc trong tỉnh.

4. Cấp độ 4: Dịch bệnh lây lan rộng trong cộng đồng.

III. CÁC HOẠT ĐỘNG CHÍNH

1. Cấp độ 1: Có trường hợp bệnh xâm nhập

1.1. Công tác chỉ đạo, kiểm tra

- Tham mưu cho Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống dịch bệnh nCoV tổ chức họp (thường xuyên hoặc đột xuất) để chỉ đạo triển khai các hoạt động truyền thông, giám sát trong công tác phòng, chống dịch tại các địa phương, đơn vị trên địa bàn.

- Chỉ đạo triển khai hoạt động thu dung, cách ly, điều trị, điều tra, giám sát phát hiện, phun xử lý ổ dịch tại các khu vực có liên quan đến trường hợp mắc bệnh.

- Căn cứ vào Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm và tình hình dịch thực tế tại địa phương, tham mưu công bố dịch theo quy định.

- Thực hiện quy chế về người phát ngôn dịch bệnh theo quy định.

1.2. Công tác giám sát, dự phòng

- Điều tra, lập danh sách theo dõi các trường hợp tiếp xúc gần với người bệnh. Đồng thời, tăng cường giám sát các trường hợp viêm đường hô hấp cấp có yếu tố dịch tễ liên quan tại khu vực người bệnh ở, làm việc, lấy mẫu xét nghiệm tất cả các trường hợp nghi ngờ để để phát hiện sớm các trường hợp bị lây truyền thứ phát, triển khai các biện pháp khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch, không để lan rộng.

- Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai giám sát, theo dõi hàng ngày tình trạng sức khỏe của những người đi từ vùng dịch trở về, người có tiếp xúc gần với người bệnh, tiếp xúc gần với những trường hợp có sốt, ho, khó thở về từ vùng dịch trong vòng 14 ngày kể từ khi tiếp xúc lần cuối; hướng dẫn người tiếp xúc gần, tự theo dõi sức khỏe và khai báo cho cơ quan y tế khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh.

- Chỉ đạo các Trạm Y tế chủ động nắm thông tin về tình hình sức khỏe của người tiếp xúc gần hàng ngày thông qua điện thoại hoặc trực tiếp. Cách ly ngay những trường hợp mắc bệnh/ nghi ngờ mắc bệnh và lấy mẫu xét nghiệm. Áp dụng hình thức khai báo y tế đối với người đi từ vùng dịch trở về địa phương.

- Tổ chức thường trực phòng, chống dịch 24/24 giờ tại các đơn vị y tế, các Đội đáp ứng nhanh trực sẵn sàng hỗ trợ các địa phương xử lý ổ dịch.

- Hàng tuần tổ chức đánh giá nguy cơ và đề xuất biện pháp can thiệp phù hợp.

- Thường xuyên cập nhật, đánh giá rút kinh nghiệm và cập nhật các tài liệu chuyên môn trong công tác giám sát, chẩn đoán, xử lý ổ dịch để kịp thời điều chỉnh các hướng dẫn, chỉ đạo phù hợp với đặc điểm dịch bệnh.

1.3. Công tác điều trị

- Thực hiện nghiêm ngặt việc kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây nhiễm chéo tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định. Thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng hộ cá nhân phòng lây nhiễm cho các cán bộ y tế trực tiếp tham gia điều tra dịch tễ, lấy mẫu và vận chuyển bệnh phẩm, xét nghiệm, khám, điều trị, chăm sóc bệnh nhân và những người liên quan khác.

- Chỉ đạo các cơ sở y tế chuẩn bị đầy đủ các điều kiện thu dung, quản lý điều trị bệnh nhân…Đồng thời tổ chức thường trực cấp cứu, thu dung, điều trị tại các đơn vị khám, chữa bệnh theo phân tuyến, hạn chế chuyển tuyến.

- Triển khai cách ly, điều trị, quản lý ca bệnh, đảm bảo an toàn cho nhân viên y tế, người nhà và cộng đồng theo quy định.

- Tổ chức lấy mẫu bệnh phẩm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh để xét nghiệm xác định nguyên nhân.

- Thường xuyên cập nhật, đánh giá rút kinh nghiệm trong công tác chẩn đoán điều trị, kiểm thảo tử vong (nếu có), cập nhật phác đồ chẩn đoán, cách ly, điều trị bệnh nhân và phòng lây nhiễm phù hợp với đặc điểm dịch bệnh.

- Chuẩn bị phương án mở rộng cơ sở điều trị, huy động nguồn lực bệnh viện, bổ sung kế hoạch thu dung, điều trị để kịp thời ứng phó khi dịch bệnh bùng phát lan rộng. Xác định rõ danh sách các cơ sở điều trị sẽ được sử dụng để cách ly, thu dung, điều trị.

- Báo cáo kịp thời các trường hợp mắc bệnh, tử vong tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo qui định tại Thông tư số 54/2015/TT-BYT ngày 28/12/2015 của Bộ Y tế.

1.4. Công tác truyền thông

- Cập nhật tình hình dịch bệnh, các khuyến cáo phòng chống thường xuyên trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế (moh.gov.vn); Báo Sức khỏe và Đời sống https://suckhoedoisong.vn/Virus-nCoV-cap-nhat-moi-nhat-lien-tuc n168210.html; website Cục Y tế dự phòng vncdc.gov.vn; Cổng thông tin Sở Y tế Bắc Kạn: https://soyte.backan.gov.vn cung cấp thông tin cho các cơ quan thông tấn báo chí, cộng đồng.

- Duy trì hoạt động đường dây nóng của Sở Y tế và các số điện thoại phục vụ phòng chống dịch bệnh viêm phổi cấp do vi rút Corona: 0945.475.668, 0915.202.341; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật: 0912.533.175.

- Cung cấp các thông điệp truyền thông, các tài liệu truyền thông, khuyến cáo phòng chống dịch cho phù hợp với các đối tượng nguy cơ và phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng.

- Khuyến cáo hạn chế tập trung đông người, tiếp xúc với người mắc bệnh; hướng dẫn sử dụng phòng hộ cá nhân.

- Phối hợp quản lý các tin đồn về tình hình dịch bệnh ngăn chặn kịp thời các thông tin phóng đại, thông tin sai, không chính xác về tình hình dịch gây hoang mang trong cộng đồng.

1.5. Công tác hậu cần

- Căn cứ vào dự báo tình hình dịch, chuẩn bị sẵn sàng kinh phí, vật tư, hóa chất, phương tiện kịp thời triển khai các hiện pháp phòng, chống trong trường hợp dịch bùng phát trên diện rộng.

- Đảm bảo kính phí cho việc cấp cứu, thu dung, điều trị người bệnh. Thực hiện chính sách cho các cán bộ thực hiện công tác điều tra, xác minh ổ dịch, thường trực phòng chống dịch và cán bộ thực hiện thu dung, điều trị, chăm sóc bệnh nhân.

- Chỉ đạo việc rà soát số lượng hiện có và xây dựng kế hoạch dự trữ, bổ sung thuốc, vật tư, trang thiết bị, kinh phí phục vụ công tác phòng chống dịch trong trường hợp dịch lan rộng, kéo dài.

- Áp dụng các chính sách miễn giảm chi phí cho các trường hợp bắt buộc phải điều trị, cách ly theo quy định.

2. Cấp độ 2: Dịch bệnh có lây nhiễm thứ phát trong tỉnh

2.1. Công tác chỉ đạo, kiểm tra

- Tham mưu họp Ban chỉ đạo cấp tỉnh thường xuyên để chỉ đạo tăng cường truyền thông phòng, chống dịch bệnh, giám sát, phát hiện, xử lý ổ dịch tại các địa phương, đơn vị và triển khai các hoạt động trong công tác phòng, chống dịch bệnh phù hợp với tình hình thực tế.

- Tham mưu thành lập các đoàn kiểm tra các địa phương thực hiện công tác phòng, chống dịch.

- Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tổ chức thường trực phòng, chống dịch 24/24 giờ tại tất cả các tuyến.

2.2. Công tác giám sát, dự phòng

- Xử lý triệt để ổ dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

- Lập danh sách những người tiếp xúc gần với người bệnh. Tiếp tục quản lý chặt chẽ những người trở về từ vùng dịch, khuyến cáo những người này tự theo dõi sức khỏe tại nhà trong vòng 14 ngày và khai báo cho cơ quan y tế khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh. Y tế địa phương phải chủ động nắm thông tin về tình hình sức khỏe của người tiếp xúc gần hàng ngày thông qua điện thoại hoặc trực tiếp. Cách ly ngay những trường hợp mắc bệnh/ nghi ngờ mắc bệnh và lấy mẫu xét nghiệm.

- Tăng cường giám sát, lấy mẫu bệnh phẩm các trường hợp nghi ngờ.

- Hàng tuần tổ chức đánh giá nguy cơ bùng phát và đề xuất các biện pháp can thiệp phù hợp.

2.3. Công tác điều trị

- Thực hiện nghiêm ngặt việc kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây nhiễm chéo tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định. Thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng hộ cá nhân phòng lây nhiễm cho các cán bộ y tế trực tiếp tham gia điều tra dịch tễ, lấy mẫu và vận chuyển bệnh phẩm, xét nghiệm, khám, điều trị, chăm sóc bệnh nhân và những người liên quan khác.

- Tổ chức phân loại người bệnh ngay từ khi người bệnh đến đăng ký khám bệnh với những người bệnh có yếu tố dịch tễ (đặc biệt sống hoặc đến từ Trung Quốc và các vùng có dịch trong vòng 14 ngày). Khi có người bệnh nghi ngờ viêm đường hô hấp cấp tính do nCoV phải được tiếp nhận và theo dõi cách ly triệt để. Hạn chế vận chuyển người bệnh nhằm giảm nguy cơ phát tán mầm bệnh.

- Cấm người không có nhiệm vụ tiếp xúc với người mắc bệnh vào vùng dịch. Trong trường hợp tiếp xúc phải thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng hộ.

- Tổ chức lấy mẫu bệnh phẩm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh để xét nghiệm xác định nguyên nhân.

- Thường xuyên cập nhật, đánh giá rút kinh nghiệm trong công tác chẩn đoán điều trị, kiểm thảo tử vong (nếu có), cập nhật phác đồ chẩn đoán, cách ly, điều trị bệnh nhân và phòng lây nhiễm phù hợp với đặc điểm dịch bệnh.

- Đội cơ động phản ứng nhanh của Bệnh viện đa khoa tỉnh sẵn sàng hỗ trợ tuyến dưới.

- Báo cáo kịp thời các trường hợp mắc bệnh, tử vong tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo qui định.

2.4. Công tác truyền thông

- Tiếp tục cập nhật thường xuyên tình hình dịch bệnh, các khuyến cáo như cấp độ 1.

- Duy trì hoạt động đường dây nóng của Sở Y tế và các số điện thoại phục vụ phòng chống dịch bệnh viêm phổi cấp do vi rút Corona: 0945.475.668, 0915.202.341; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật: 0912.533.175.

- Cập nhật, bổ sung các thông điệp truyền thông, các tài liệu truyền thông và tổ chức truyền thông cho phù hợp.

- Phối hợp quản lý các thông tin không chính xác về tình hình dịch bệnh gây hoang mang trong cộng đồng.

2.5. Công tác hậu cần

- Đề xuất bổ sung kinh phí, vật tư, hóa chất, phương tiện, kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống trong trường hợp dịch bùng phát trên diện rộng.

- Đảm bảo kinh phí cho việc cấp cứu, thu dung, điều trị người bệnh, thực hiện chính sách cho các cán bộ thực hiện công tác điều tra, xác minh ổ dịch, thường trực phòng chống dịch và cán bộ thực hiện thu dung, điều trị, chăm sóc bệnh nhân.

- Triển khai kế hoạch dự trữ, bổ sung thuốc, vật tư, trang thiết bị phục vụ công tác phòng chống dịch trong trường hợp dịch lan rộng, kéo dài.

- Tham mưu xây dựng, rà soát bổ sung các cơ sở phòng chống dịch, cơ sở điều trị cho từng tuyến làm căn cứ cho các tuyến có kế hoạch bổ sung và dự trữ phù hợp.

- Tiếp tục áp dụng các chính sách miễn giảm chi phí cho các trường hợp bắt buộc phải điều trị, cách ly khi dịch bệnh xảy ra.

3. Cấp độ 3: Dịch bệnh lây lan trên 20 trường hợp mắc trong tỉnh.

3.1. Công tác chỉ đạo, kiểm tra

- Tham mưu họp Ban chỉ đạo cấp tỉnh hàng ngày để chỉ đạo triển khai, điều chỉnh kế hoạch hoạt động phòng, chống dịch phù hợp với tình hình thực tế, huy động nguồn lực thực hiện các biện pháp chống dịch.

- Tham mưu Ban chỉ đạo cấp tỉnh chỉ đạo việc rà soát khả năng thu dung điều trị, nhân lực, trang thiết bị, vật tư, hóa chất đáp ứng của địa phương để chủ động phương án chống dịch. Trong trường hợp vượt quá khả năng của địa phương cần báo cáo với Ban chỉ đạo Trung ương hỗ trợ kịp thời.

- Tham mưu Ban chỉ đạo tỉnh huy động tối đa sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể tỉnh tham gia phòng, chống dịch.

3.2. Công tác giám sát, dự phòng

- Triển khai các biện pháp khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch mới. Thực hiện việc giám sát trường hợp bệnh, điều tra và theo dõi chặt chẽ các trường hợp tiếp xúc.

- Tăng cường giám sát các chùm ca bệnh viêm đường hô hấp cấp có yếu tố dịch tễ liên quan tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và cộng đồng.

- Tăng cường giám sát dựa vào sự kiện, giám sát viêm đường hô hấp cấp nặng do vi rút, kịp thời xác minh, tổ chức điều tra phát hiện ổ dịch, khoanh vùng, xử lý sớm các ổ dịch trong cộng đồng.

- Đánh giá nguy cơ thường xuyên để triển khai các biện pháp đáp ứng phù hợp và hiệu quả.

- Thường trực phòng, chống dịch 24/24 giờ tại các đơn vị y tế từ tỉnh đến xã. Huy động tối đa lực lượng nhân viên y tế tham gia chống dịch.

- Thường xuyên cập nhật, đánh giá rút kinh nghiệm và cập nhật các tài liệu chuyên môn trong công tác giám sát, xử lý ổ dịch để kịp thời điều chỉnh các hướng dẫn, chỉ đạo phù hợp với đặc điểm dịch bệnh.

3.3. Công tác điều trị

Thực hiện nghiêm túc công tác thường trực cấp cứu, thu dung, điều trị bệnh nhân như cấp độ 2, đồng thời bổ sung các hoạt động sau:

- Thực hiện quyết liệt việc phân tuyến, tiếp nhận, thu dung điều trị, quản lý ca bệnh và theo dõi cách ly triệt để; chuyển người bệnh tới Bệnh viện tuyến cuối khi có diễn biến nặng.

- Chỉ đạo Bệnh viện đa khoa tỉnh triển khai kế hoạch mở rộng thu dung, điều trị bệnh nhân tại khu Trường Trung cấp Y cũ; hỗ trợ thuốc điều trị cho tuyến huyện khi có yêu cầu.

- Thực hiện nghiêm ngặt việc kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây nhiễm chéo tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định. Thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng hộ cá nhân phòng lây nhiễm cho các cán bộ y tế trực tiếp tham gia điều tra dịch tễ, lấy mẫu và vận chuyển bệnh phẩm, xét nghiệm, khám, điều trị, chăm sóc bệnh nhân và những người liên quan khác.

3.4. Công tác truyền thông

- Cập nhật tình hình dịch bệnh, các khuyến cáo phòng chống thường xuyên trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế (moh.gov.vn); Báo Sức khỏe và Đời sống; Website Cục Y tế dự phòng vncdc.gov.vn; Cổng thông tin Sở Y tế Bắc Kạn: https://soyte.backan.gov.vn cung cấp thông tin cho các cơ quan thông tấn báo chí, cộng đồng.

- Cập nhật thông điệp truyền thông, khuyến cáo phòng chống dịch phù hợp tình hình dịch bệnh; phổ biến rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội.

- Phối hợp quản lý các thông tin không chính xác về tình hình dịch bệnh gây hoang mang trong cộng đồng.

3.5. Công tác hậu cần

- Căn cứ vào dự báo tình hình dịch tiếp tục bổ sung kinh phí, vật tư, hóa chất, phương tiện, kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống dịch.

- Thực hiện các chính sách cho cán bộ tham gia phòng chống dịch theo quy định.

- Rà soát, xác định rõ danh mục, số lượng thuốc, sinh phẩm, vật tư hóa chất, trang thiết bị y tế thiết yếu để duy trì dịch vụ y tế thiết yếu ở các tuyến và hỗ trợ kịp thời cho các địa phương.

- Tham mưu bổ sung kinh phí cho công tác truyền thông phòng chống dịch bệnh; chỉnh sửa bổ sung thông điệp và tài liệu truyền thông, tổ chức các hoạt động truyền thông khẩn cấp trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội và truyền thông trực tiếp tại cộng đồng, hoạt động của đường dây nóng, quản lý tin đồn.

- Tiếp tục áp dụng các chính sách miễn giảm chi phí cho các trường hợp bắt buộc phải điều trị, cách ly khi mắc bệnh.

4. Cấp độ 4: Dịch bệnh lây lan rộng trong cộng đồng.

4.1. Công tác quản lý chỉ đạo, điều hành

- Báo cáo hình dịch bệnh hàng ngày và tham mưu Ban chỉ đạo phòng chống dịch cấp tỉnh xem xét đánh giá để thống nhất chỉ đạo triển khai các hoạt động tại các đơn vị ở tất cả các tuyến; huy động, vận động toàn thể lực lượng xã hội tham gia các hoạt động đáp ứng dịch bệnh.

- Tham mưu UBND cấp tỉnh chỉ đạo các ban, ngành đoàn thể, các địa phương thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của cấp trên, triển khai nghiêm các biện pháp chống dịch và đảm bảo duy trì liên tục các dịch vụ thiết yếu cho xã hội và an ninh trật tự trên địa bàn.

- Tiếp tục tham mưu chỉ đạo rà soát, đánh giá khả năng đáp ứng của các địa phương để chủ động xây dựng phương án phòng chống dịch, điều trị. Trong trường hợp vượt quá khả năng của địa phương cần báo cáo cấp trên để có hỗ trợ kịp thời.

4.2. Công tác giám sát, đánh giá nguy cơ, phòng chống dịch

- Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường giám sát thường xuyên tình hình dịch bệnh. Thực hiện việc lấy mẫu bệnh phẩm 3-5 trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính tại ổ dịch mới để xét nghiệm xác định ổ dịch.

- Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh chỉ đạo triển khai các biện pháp khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch mới. Thực hiện việc giám sát trường hợp bệnh, điều tra và theo dõi chặt chẽ các trường hợp tiếp xúc; cách ly những trường hợp mắc bệnh và nghi ngờ tại các ổ dịch.

- Tổ chức thường trực phòng, chống dịch 24/24 giờ tại các đơn vị y tế từ tỉnh đến cơ sở. Huy động tối đa lực lượng nhân viên y tế, lực lượng vũ trang tham gia chống dịch.

- Đánh giá nguy cơ hàng ngày để triển khai các biện pháp đáp ứng phù hợp và hiệu quả.

4.3. Công tác điều trị

- Các bệnh viện chủ động triển khai kế hoạch mở rộng thu dung, điều trị người bệnh.

- Huy động nguồn nhân lực, vật lực (trang thiết bị, thuốc, vật tư,…) cho các đơn vị điều trị bệnh nhân.

- Hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật, điều động nhân lực tập trung cho địa phương có tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp.

- Huy động tối đa số giường của tất cả các bệnh viện do ngành quản lý và các bệnh viện trên địa bàn, trong trường hợp số lượng bệnh nhân quá lớn và các bệnh viện không có khả năng thu dung thì thành lập thêm Bệnh viện dã chiến tại khu trường Trung cấp Y cũ.

- Trường hợp khả năng y tế địa phương không đáp ứng, ngành Y tế tham mưu để huy động các đơn vị điều trị của lực lượng công an, quân đội và các ngành, các cơ sở tư nhân tham gia cách ly, điều trị, cấp cứu, chăm sóc người mắc bệnh, người có nguy cơ mắc bệnh.

4.4. Công tác tuyên truyền

- Cập nhật liên tục tình hình dịch bệnh, các khuyến cáo phòng chống thường xuyên trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế (moh.gov.vn).

- Triển khai mạnh mẽ các biện pháp truyền thông để người dân hiểu, không hoang mang, hoang loạn và thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng chống.

- Phối hợp quản lý các thông tin không chính xác về tình hình dịch bệnh gây hoang mang trong cộng đồng.

4.5. Công tác hậu cần

- Huy động toàn thể hệ thống chính trị của tỉnh quyết liệt tham gia phòng chống dịch bệnh, tập trung sử dụng, huy động mọi nguồn lực để phòng chống dịch bệnh; đảm bảo đáp ứng tối đa nhu cầu về thuốc, hoá chất, vật tư, trang thiết bị... nhằm hạn chế đến mức thấp nhất dịch bệnh lây lan, tỷ lệ người mắc và tử vong do bệnh dịch.

- Chỉ đạo việc sử dụng thuốc, trang thiết bị, nguồn lực hiện có để xử lý ổ dịch và điều trị bệnh nhân theo phương châm 4 tại chỗ.

- Rà soát, xác định rõ danh mục, số lượng thuốc, sinh phẩm, vật tư hóa chất và trang thiết bị y tế thiết yếu để duy trì dịch vụ y tế thiết yếu ở các tuyến. Đề xuất nhu cầu hỗ trợ về thuốc, trang thiết bị, nguồn lực từ tuyến trên, ưu tiên phân bổ cho những nơi có tình hình diễn biến phức tạp, có số mắc và tỷ lệ tử vong cao.

- Báo cáo nhu cầu kinh phí, vật tư, hóa chất, phương tiện trình các cấp có thẩm quyền xem xét, cấp bổ sung. Phân bổ kinh phí kịp thời cho các đơn vị chống dịch các tuyến, tiếp tục bố trí ngân sách đáp ứng cho công tác phòng chống dịch khẩn cấp và dịch có thể kéo dài tại tỉnh.

- Tiếp tục áp dụng các chính sách miễn giảm chi phí cho các trường hợp bắt buộc phải điều trị, cách ly khi dịch bệnh xảy ra.

IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN

Nguồn ngân sách địa phương được đảm bảo để chủ động phòng, chống dịch bệnh và các cấp độ của dịch bệnh xảy ra trên cơ sở đề xuất của Sở Y tế và các sở, ngành chức năng liên quan.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Các phòng chức năng Sở Y tế

Theo chức năng, nhiệm vụ, chủ động tham mưu cho Ban Giám đốc Sở Y tế thực hiện các nội dung sau:

- Thực hiện các nhiệm vụ của cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV tỉnh Bắc Kạnvề tăng cường hoạt động của Ban chỉ đạo phòng chống dịch, thống nhất các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Trung ương và Bộ Y tế.

- Tham mưu thực hiện công bố dịch theo quy định. Triển khai các phương án, chuẩn bị nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, thuốc và hóa chất phòng, chống dịch phù hợp với các cấp độ trong kế hoạch này.

- Chủ động tham mưu phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể tỉnh triển khai quyết liệt, đồng bộ có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch theo đúng quy trình, quy định của Bộ Y tế;

- Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc lập kế hoạch sẵn sàng chuẩn bị phòng, chống dịch bệnh tại các tuyến theo phương châm 4 tại chỗ.

- Chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh chủ động phối hợp với các ngành, đơn vị có liên quan có phương án quản lý, giám sát về sức khỏe đối với các trường hợp người nước ngoài trở về từ vùng dịch trên địa bàn tỉnh và thực hiện phương châm 4 tại chỗ đối với những công dân Việt Nam trở về từ vùng dịch theo kế hoạch của UBND tỉnh.

- Chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện việc phân luồng, phân tuyến điều trị người bệnh, thực hiện kiểm soát nhiễm khuẩn phòng chống lây nhiễm chéo tại các bệnh viện và thường trực, giám sát phòng, chống dịch; Rà soát và đề xuất bổ sung các điều kiện đảm bảo phòng, chống dịch theo từng cấp độ.

- Tham mưu chỉ đạo thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách cho cán bộ tham gia chống dịch bệnh (phụ cấp chống dịch, trực dịch …).

- Tham mưu phối hợp với Sở Tài chính, các Sở, ban, ngành, địa phương xây dựng dự toán kinh phí theo từng tình cấp độ dịch bệnh trình UBND tỉnh xem xét, quyết định.

- Tham mưu kiểm tra đánh giá hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh của các đơn vị trong tỉnh.

- Chỉ đạo công tác tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

- Chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh thực hiện nghiêm túc việc thông tin báo cáo, khai báo bệnh, bệnh dịch theo quy định của Bộ Y tế.

2. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh

- Là đơn vị thường trực phòng, chống dịch của ngành Y tế tỉnh Bắc Kạn.

- Tham mưu cho Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị trong ngành Y tế triển khai công tác phòng, chống dịch theo từng cấp độ theo kế hoạch này và điều chỉnh, bổ sung kịp thời các nội dung, phương án phù hợp với tình hình thực tế.

- Tham mưu chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, đơn vị thực hiện nghiêm việc giám sát tình hình mắc dịch bệnh đến tận thôn, xã, phường, hộ gia đình. Báo cáo kịp thời diễn biến tình hình dịch theo quy định.

- Tăng cường giám sát dựa vào sự kiện, giám sát viêm đường hô hấp cấp nặng do vi rút, kịp thời xác minh, tổ chức điều tra phát hiện ổ dịch, khoanh vùng, xử lý sớm các ổ dịch trong cộng đồng..

- Tăng cường giám sát các chùm ca bệnh viêm đường hô hấp cấp có yếu tố dịch tễ liên quan tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và cộng đồng.

- Củng cố các đội chống dịch cơ động, hỗ trợ các địa phương khi cần thiết.

- Triển khai hoạt động điều tra và xử lý triệt để ổ dịch theo quy định của Bộ Y tế.

- Tổ chức lấy mẫu bệnh phẩm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh để xét nghiệm xác định nguyên nhân.

- Thường trực phòng, chống dịch 24/24 giờ tại đơn vị. Tham mưu cho Sở Y tếthực hiện đầy đủ các chế độ chính sách cho cán bộ tham gia chống dịch bệnh (phụ cấp chống dịch, trực dịch …).

- Chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương tăng cường các hoạt động truyền thông nguy cơ theo yêu cầu của công tác phòng chống dịch bệnh.

- Xây dựng và phổ biến các thông điệp truyền thông, tài liệu truyền thông phù hợp với các địa phương.

- Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh, dịch bệnh.

- Tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho các cán bộ y tế các tuyến giám sát, xử lý ổ dịch, truyền thông, lấy mẫu xét nghiệm về phòng, chống dịch bệnh nCoV phù hợp với từng cấp độ dịch bệnh.

- Thường xuyên cập nhật, tổng hợp tình hình dịch trong tỉnh và trên toàn quốc báo cáo Sở Y tế, Ban chỉ đạo nCoV cấp tỉnh, UBND tỉnh và Bộ Y tếtheo quy định tại Thông tư số 54/2015/TT-BYT ngày 28/12/2015.

3. Bệnh viện đa khoa tỉnh

- Xây dựng kế hoạch tổ chức thu dung, cấp cứu và điều trị dịch bệnh, duy trì hoạt động thường xuyên của bệnh viện khi có dịch.

- Sẵn sàng thiết lập bệnh viện dã chiến (tại khu Trường Trung cấp y cũ) khi cần thiết.

- Chuẩn bị đầy đủ thuốc, trang thiết bị hồi sức cấp cứu và các phương tiện cần thiết để sẵn sàng tiếp nhận, cấp cứu và điều trị người bệnh.

- Thực hiện nghiêm việc phân luồng, phân tuyến điều trị bệnh nhân.

- Thực hiện nghiêm việc cách ly, kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng lây nhiễm chéo và thực hiện các biện pháp phòng hộ cho cán bộ y tế.

- Tập huấn phác đồ cấp cứu, điều trị, hướng dẫn cho các cơ sở điều trị thực hiện.

- Củng cố các Đội cơ động phản ứng nhanh, hỗ trợ các địa phương khi có yêu cầu.

- Chỉ đạo tuyến và hỗ trợ tuyến dưới về mặt chuyên môn, nhân lực, vật lực khi cần thiết. Phối hợp kiểm tra, giám sát công tác phòng chống dịch của các đơn vị.

- Chủ động thông báo cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh trong công tác thông tin, báo cáo trường hợp bệnh truyền nhiễm đầy đủ, chính xác, kịp thời. Phối hợp trong công tác điều tra, lấy mẫu theo quy định.

- Tăng cường giám sát, cách ly điều trị và lấy mẫu các trường hợp viêm đường hô hấp cấp có yếu tố dịch tễ liên quan.

- Phối hợp với các bệnh viện tuyến cuối thiết lập bệnh viện vệ tinh khi cần thiết.

4. Trung tâm Y tế các huyện, thành phố

- Tham mưu cho Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh nCoV cấp huyện, thành phố ban hành kế hoạch đáp ứng với từng cấp độ dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona tại địa phương.

- Xây dựng kế hoạch thu dung, cách ly và điều trị bệnh nhân và duy trì hoạt động thường xuyên của bệnh viện khi có dịch.

- Chuẩn bị đầy đủ thuốc, trang thiết bị hồi sức cấp cứu và các phương tiện cần thiết để sẵn sàng tiếp nhận, cấp cứu và điều trị bệnh nhân dịch bệnh.

- Thực hiện nghiêm việc cách ly, kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng lây nhiễm chéo và thực hiện các biện pháp phòng hộ cho cán bộ y tế.

- Chỉ đạo các Trạm Y tế giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh tại xã, phường, thị trấn, thôn, xóm, hộ gia đình để khoanh vùng và xử lý kịp thời. Báo cáo kịp thời diễn biến tình hình dịch bệnh theo quy định.

- Tăng cường phối hợp giám sát dựa vào sự kiện (EBS), giám sát các trường hợp viêm đường hô hấp cấp nặng do vi rút (SVP). Duy trì giám sát trọng điểm bệnh hội chứng cúm (ILI) tại các điểm giám sát trọng điểm.

- Củng cố các đội chống dịch cơ động, hỗ trợ các địa phương khi cần thiết.

- Giám sát chặt chẽ phát hiện sớm ca mắc bệnh đầu tiên tại xã, phường, thôn, bản, hộ gia đình để khoanh vùng dập dịch và xử lý kịp thời; triển khai hoạt động điều tra và xử lý triệt để ổ dịch theo đúng quy định của Bộ Y tế.

- Tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh, dịch bệnh.

- Phối hợp với các địa phương triển khai các hoạt động truyền thông đến các khu vực có nguy cơ, đối tượng có nguy cơ.

- Xây dựng và phổ biến các thông điệp truyền thông, tài liệu truyền thông phù hợp với các địa phương.

- Tập huấn phác đồ chẩn đoán và điều trị, hướng dẫn các trạm y tế xã và phòng khám tư nhân trên địa bàn.

- Chủ động thông báo cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh trong công tác thông tin, báo cáo trường hợp bệnh truyền nhiễm đầy đủ, chính xác, kịp thời theo quy định.

- Thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo diễn biến tình hình dịch bệnh về Ban chỉ đạo và UBND huyện, thành phố, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và Sở Y tế theo quy định.

5. Trạm Y tế xã, phường, thị trấn

- Tham mưu cho Ban chỉ đạo tuyến xã, phường, thị trấn xây dựng Kế hoạch đáp ứng với từng cấp độ dịch bệnh nCoV của địa phương.

- Tổ chức điều tra, giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh tại xã, phường, thị trấn, thôn, xóm, hộ gia đình để khoanh vùng và xử lý kịp thời.

- Tổ chức cấp cứu ban đầu và điều trị bệnh nhân khi mắc bệnh trong trường hợp dịch bệnh lan rộng. Theo dõi, giám sát các trường hợp theo dõi, cách ly tại nhà.

- Thành lập đội chống dịch gồm các cán bộ y tế, đoàn thanh niên, phụ nữ và các tổ chức, đoàn thể trên địa bàn để triển khai các biện pháp phòng, chống tại các hộ gia đình.

- Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn cho nhân dân các biện pháp phòng, chống dịch bệnh chủ động.

- Báo cáo kịp thời diễn biến tình hình dịch bệnh về Ban chỉ đạo cấp xã, UBND xã, phường, thị trấn, Trung tâm Y tế huyện theo quy định.

6. Các đơn vị khác trực thuộc Sở Y tế

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ cụ thể của từng đơn vị, chủ động xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh do nCoV và sẵn sàng hỗ trợ nhân lực cho công tác phòng, chống dịch ngành y tế khi cần thiết.

Trên đây là kế hoạch Đáp ứng với từng cấp độ dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (nCoV) của ngành Y tế tỉnh Bắc Kạn. Kế hoạch này sẽ được cập nhật và điều chỉnh thường xuyên, kịp thời để phù hợp với diễn biến của tình hình dịch cũng như quá trình triển khai công tác phòng chống dịch trên thực tế. Căn cứ các nội dung trong Kế hoạch này, các đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch, dự trù kinh phí, thuốc, vật tư, trang thiết bị theo các tình huống cụ thể trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, triển khai thực hiện./.

Sửa lần cuối vào Thứ sáu, 09 Tháng 4 2021 07:21
Đánh giá mục này
(1 Bỏ phiếu)
Đọc 1977 lượt xem
Đăng nhập để gửi bài bình luận

Cổng thông tin điện tử Sở Y tế tỉnh Bắc Kạn

Tên cơ quan chủ quản: Sở Y tế tỉnh Bắc Kạn

Điện thoại :(+84).2093.870.580 - Fax : (+84).2093.873.585 

Địa chỉ: Tổ 7B - phường Đức Xuân - thành phố Bắc Kạn - Tỉnh Bắc Kạn

Địa chỉ mail: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

Trưởng Ban biên tập: TTƯT. Tạc Văn Nam - Giám đốc Sở Y tế

Chung nhan Tin Nhiem Mang