Leo Magazine - шаблон joomla Окна

Nữ cán bộ y tế xã Bằng Thành với công tác tiêm chủng mở rộng nơi vùng cao

Thứ năm, 04 Tháng 6 2015 09:34

Cứ đến ngày tiêm chủng định kỳ hằng tháng, chị lại đồng hành với chiếc phích vắcxin, các dụng cụ tiêm chủng cùng chiếc áo blu trắng… vượt qua hàng chục cây số đường đồi núi quanh co bởi dốc đèo. Vào ngày mưa, đường trơn nên đi lại càng khó, có những đoạn phải đi bộ tới vài cây số mới đến được với bản làng… Những con đường như thế đã in sâu trong kí ức chị Đặng Thị Quế (cán bộ Trạm Y tế xã Bằng Thành, huyện Pác Nặm).

Chị Đặng Thị Quế (cán bộ Trạm Y tế xã Bằng Thành) trong buổi tiêm chủng tại thôn Khuổi Mạn.

Chị Đặng Thị Quế sinh năm 1988 tại xã Bằng Thành, trong một gia đình nông dân nghèo. Lớn lên, chị theo học nghề y với mong muốn sẽ được trở về phục vụ cho bà con quê hương mình. Và mơ ước của chị đã trở thành hiện thực khi đến năm 2011, chị nhận được quyết định phân công công tác về Trạm Y tế xã nhà. Về đây, chị được giao phụ trách nhiều chương trình, trong đó, có chương trình tiêm chủng mở rộng. Với người cán bộ trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm thì đó quả là một thử thách không hề nhỏ. Phải chăng “lửa thử vàng, gian nan thử sức”, không chịu khuất phục trước những hoàn cảnh khó khăn nhất, chị chẳng khi nào ngại khó, ngại khổ để làm tốt công việc của mình khi được phân công. Tích cực học hỏi đồng nghiệp, tham gia các khóa học, tập huấn về thực hành tiêm chủng đã giúp chị ngày càng vững vàng hơn với tay nghề của mình.

Xã Bằng Thành có 17 thôn, do địa hình xã vùng cao, vùng sâu, vì vậy việc tiêm chủng phải chia thành nhiều điểm khác nhau, trong đó có 1 điểm tiêm tại trạm Y tế và 5 điểm tiêm ngoại trạm, được tổ chức tại các thôn: Khuổi Khí, Khâu Bang, Khuổi Mạn, Bản Mạn và Lủng Mít. Đó là những thôn xa xôi, hẻo lánh, địa bàn rộng, dân cư thưa thớt.

Trong một ngày tiêm chủng của tháng 5 vừa qua, tôi được theo chân chị đến một thôn xa xôi của xã Bằng Thành – thôn Khuổi Mạn. Nằm cách trung tâm xã tới 15 cây số, thôn Khuổi Mạn có hơn 400 hộ dân đều là đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Ngồi sau chiếc xe máy chị cầm lái, nhiều đoạn đường bị xói mòn sau những cơn mưa lớn, tôi không khỏi bất an. Tôi hỏi chị, mình là phụ nữ, có khi nào chị cảm thấy không an toàn khi đi lại trên con đường này? Lau vội những giọt mồ hôi còn vương trên trán, chị cười, bảo: “Vào mùa mưa năm ngoái, chị và các cán bộ Trạm Y tế xã đến tiêm chủng tại đây, đường trơn trượt, chị đã ngã xe 3 lần. Cũng may là chỉ bị xây xước nhẹ và giữ được an toàn cho chiếc phích đựng vắc xin cùng các dụng cụ cho buổi tiêm hôm đó…”. Lên tới thôn Khuổi Mạn, cả hai chúng tôi đã thấm mệt song không cho mình một chút thời gian nghỉ ngơi, chị bắt tay ngay vào công việc của mình. Theo quy trình, chị thực hiện thăm khám, tư vấn, tiêm và theo dõi sau tiêm cho trẻ…, tất cả mọi việc đều diễn ra mau lẹ, khẩn trương mà vẫn đảm bảo độ chính xác cao. Tôi thấy mình thật may mắn, bởi lẽ chuyến đi ấy đã mang lại cho tôi những trải nghiệm thực tế, để sau đó thấu hiểu, trân trọng và cảm phục trước một con người như chị.

Là dân tộc Tày, chị khéo léo vận dụng ngôn ngữ dân tộc mình trong quá trình công tác. Chị bảo, như thế vừa gần gũi mà bà con lại dễ tiếp thu. Chị mộc mạc, giản dị, dễ gần là vậy. Tuy nhiên, trong lòng chị vẫn còn trăn trở một điều, mỗi khi tiếp xúc với đồng bào dân tộc Mông, như ở thôn Khuổi Mạn chẳng hạn thì rào cản ngôn ngữ chính là cái khó nhất với chị. Có khi, chị hỏi, họ chỉ trả lời được một vài câu. Tiêm hay hoãn để lần sau, trường hợp nào thuộc diện chống chỉ định…, chị cân nhắc kĩ càng, chính xác trước khi đưa ra quyết định. Đôi khi, phải nhờ tới sự giúp đỡ của nhân viên y tế thôn bản, cán bộ thôn hay những người thông thạo song ngữ… Trước rào cản đó, chị đặt ra cho mình mục tiêu là phải học tiếng Mông, để mỗi lần gặp gỡ bà con, khám chữa bệnh hay mỗi buổi tiêm chủng… có thể dễ dàng trò chuyện, chia sẻ với bà con.

Bà con nhân dân nghe chị Quế tuyên truyền về lợi ích của tiêm chủng.

Để nâng cao nhận thức cho bà con, trước hết cần làm tốt việc tuyên truyền, vận động. Hiểu được điều đó, mỗi lần đi tiêm chủng tại các thôn, chị mang theo tranh ảnh, tờ rơi, áp phích, tài liệu… tranh thủ tuyên truyền cho bà con hiểu về lợi ích của tiêm chủng. Phải nói sao cho thật đơn giản, ngắn gọn, dễ hiểu thì người dân mới tiếp thu được. Chị kể, mấy năm trước, khi có cán bộ y tế đến từng nhà vận động đưa trẻ đi tiêm, lúc đầu người dân họ nhận lời nhưng rồi sau đó lại lần lữa không làm theo. Có trường hợp tiêm về trẻ bị sốt, lần sau cũng bỏ tiêm luôn… Cho đến nay, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền vận động, tỷ lệ tiêm chủng của cả xã đã có nhiều chuyển biết tích cực. Trẻ trong độ tuổi được tiêm chủng đầy đủ 7 loại vắcxin phòng bệnh đã đạt tới 99%; 98% trẻ được bảo vệ phòng uốn ván sơ sinh… Có được thành tích như ngày hôm nay không thể không nói tới những đóng góp của chị Đặng Thị Quế.

Ở bất cứ nhiệm vụ nào chị cũng chẳng nề hà. Theo lời kể của sản phụ Lữ Thị Việt (trú tại thôn Bản Mạn, xã Bằng Thành), cách đây hơn 2 tháng, vào lúc nửa đêm, chị Việt đau bụng chuyển dạ. Do đường xá xa xôi, đi lại khó, hơn nữa hoàn cảnh gia đình thiếu thốn nên không thể tới Trạm y tế, chị Việt đã quyết định sinh con tại nhà. Khi hay tin đó, giữa đêm hôm khuya khoắt, chị Quế đã cùng đồng nghiệp của mình vượt qua quãng đưỡng gần chục cây số, đến giúp sản phụ vượt cạn được mẹ tròn con vuông và chăm sóc sau sinh. Bé Ma Khánh Duy (con chị Việt) chào đời trong niềm vui của cả gia đình, của chị Quế cùng các cán bộ Trạm Y tế xã Bằng Thành.

Chị Hoàng Thị Tiên (Trạm trưởng Trạm Y tế xã Bằng Thành) cho biết thêm, công tác tiêm chủng tại vùng cao gian nan, vất vả là vậy. Nhưng với lòng yêu nghề, chị Quế - một người cán bộ trẻ đảm nhận công việc này đã mấy năm nay. Bằng ấy thời gian, chị luôn làm việc hết mình, trong sự tin yêu của bạn bè đồng nghiệp và bà con nhân dân.

Đều đặn hằng tháng, chị vẫn đi trên con đường này để đến với bà con nhân dân.

Bước trên chiếc cầu tre nhỏ bắc ngang qua dòng suối trở về, lòng tôi còn khắc ghi mãi hình ảnh chị khoác trên mình chiếc áo blu trắng, tay xách phích văcxin, chân bước trên con đường nhỏ, trơn và dốc, hai bên đường là màu xanh bát ngát của núi rừng… Một vẻ đẹp giản dị, lặng thầm mà tinh khiết như chính mảnh đất, quê hương nơi đây.

Ngọc Tú

Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe tỉnh Bắc Kạn

Sửa lần cuối vào Thứ hai, 10 Tháng 8 2015 03:39
Đánh giá mục này
(3 bỏ phiếu)
Đọc 2461 lượt xem
Đăng nhập để gửi bài bình luận

 

 

Cổng thông tin điện tử Sở Y tế tỉnh Bắc Kạn

Tên cơ quan chủ quản: Sở Y tế tỉnh Bắc Kạn

Điện thoại :(+84).2093.870.580 - Fax : (+84).2093.873.585 

Địa chỉ: Tổ 7B - phường Đức Xuân - thành phố Bắc Kạn - Tỉnh Bắc Kạn

Địa chỉ mail: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

Trưởng Ban biên tập: TTƯT. Tạc Văn Nam - Giám đốc Sở Y tế

Chung nhan Tin Nhiem Mang