Leo Magazine - шаблон joomla Окна

NGƯỜI DÂN CẦN CHỦ ĐỘNG TIÊM PHÒNG BỆNH DẠI KHI BỊ CHÓ, MÈO CẮN

Thứ tư, 28 Tháng 9 2022 07:54

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Bệnh dại là một trong những bệnh truyền nhiễm đáng sợ nhất lịch sử nhân loại. Khi đã lên cơn dại, kể cả là động vật hay con người đều sẽ tử vong nhanh chóng trong đau đớn và hoảng loạn. Tại Việt Nam, bệnh dại liên tục có những diễn tiến phức tạp, do đó việc chủ động dự phòng bằng vắc xin là rất cấp thiết.

B1.2 

Tiêm vắc xin phòng bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật.

Mặc dù các ngành chức năng liên tục khuyến cáo về việc tiêm vắc xin dại, nhưng tại Việt Nam, trung bình mỗi năm vẫn có khoảng hơn 70 ca tử vong vì dại. Trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, trung bình mỗi năm có 01 ca tử vong do bệnh dại. Những trường hợp này, đều do chủ quan không được tiêm vắc xin phòng bệnh dại.

Để giảm thiểu ca tử vong do bệnh dại, những năm qua ngành Y tế Bắc Kạn đã tích cực đẩy mạnh công tác truyền thông về phòng ngừa bệnh dại, do đó người dân từng bước ý thức phòng bệnh dại, nhiều người chủ động tiêm vắc xin khi bị chó, méo cắn.

Theo số liệu thống kê của ngành Y tế Bắc Kạn, 9 tháng đầu năm 2022 toàn tỉnh có 1.514 người bị phơi nhiễm với bệnh dại được tiêm, riêng trong tháng 9 trong tỉnh có 217 người, trong đó có 57 người thuộc hộ nghèo.

Bệnh dại là một bệnh do virus gây ra. Nguyên nhân gây ra bệnh dại là do một loại vi khuẩn có tên là Rhabdovirus có trong nước bọt của những động vật bị bệnh dại. Bệnh dại lây từ nước bọt của động vật bị dại thông qua vết cắn, liếm. Ổ chứa virus dại trong thiên nhiên thông thường là động vật có máu nóng, đặc biệt là chó. Ngoài ra, virus dại cũng được phát hiện ở mèo, chồn, dơi và các động vật có vú khác.

Các bác sỹ cho biết: Ngay khi vào cơ thể, virus dại xâm nhập vào các dây thần kinh ngoại biên, chạy dọc theo các dây thần kinh đến tủy sống và não bộ. Ngay khi virus đến não bộ, người bệnh mới thật sự có những dấu hiệu lâm sàng rõ ràng. Thời gian ủ bệnh dại có thể dưới 1 tuần hoặc trên 1 năm, phụ thuộc vào số lượng virus xâm nhập vào cơ thể, sự nặng nhẹ của vết thương, khoảng cách từ vết thương đến hệ thần kinh trung ương. Vết thương càng ở gần hệ thần kinh trung ương như mặt, cổ, đầu, ngón tay, cơ quan sinh dục ngoài… thì thời gian ủ bệnh càng ngắn.

Hiện tại không có thuốc điều trị hiệu quả cho bệnh dại sau khi các dấu hiệu lâm sàng xuất hiện. Tuy nhiên, tiêm vắc xin phòng dại trước hoặc ngay sau khi bị chó, mèo cắnvẫn là biện pháp phòng ngừa và bảo vệ hiệu quả nhất.

Lịch tiêm vắc xin dại tại cơ sở y tế:

Tiêm phòng dại trước khi phơi nhiễm (chưa bị cắn):

Tiêm phòng cơ bản: Tiêm bắp 3 mũi (0.5ml/liều) vào các ngày 0, 7 và 28.

Tiêm vắc xin dự phòng dại khi xác định có phơi nhiễm:

Đối với người chưa tiêm dự phòng: Cần tiêm 05 mũi (0.5ml/liều) vào các ngày 0, 3, 7, 14, 28. Trong trường hợp phơi nhiễm độ III cần phối hợp tiêm huyết thanh dại kết hợp.

Với người đã tiêm dự phòng trước hoặc sau phơi nhiễm ít nhất 3 mũi vắc xin dại nuôi cấy trên tế bào: tiêm 02 liều vào ngày 0 và 3.

Bác sỹ Hoàng Văn Chuyền, Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh cho biết, khi người bị chó cắn cần phải xử trí theo các bước sau:

Vệ sinh vết thương:Cần tách rời quần áo ra khỏi vết cắn, trong trường hợp vết cắn ở chân thì nên dùng kéo cắt bỏ phần vải tại vị trí cắn. Điều này giúp hạn chế nước bọt của động vật bám nhiều hơn vào vết thương.

Rửa vết thương dưới vòi nước chảy mạnh trong vòng 15 phút, nước ấm càng tốt. Sau đó, rửa sạch vết thương với cồn 70%, cồn i-ốt hoặc Povidone-Iodine, tuyệt đối không cố gắng nặn máu. Không nên chà sát vết thương, tránh làm vết thương trầm trọng hơn.

Băng bó vết thương: Sau khi vệ sinh vết thương, nên dùng gạc y tế hoặc vải sạch để băng bó vết thương để cầm máu đồng thời tránh trường hợp vi khuẩn xâm nhập.

Tiêm phòng: Cần đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để tiêm vắc xin phòng dại ngay sau bị chó cắn. Lịch tiêm theo lộ trình và loại vắc xin phòng dại sẽ được các bác sĩ tư vấn phù hợp.

Bên cạnh đó, để đảm bảo xử lý đúng phương pháp khi bị chó cắn, bác sĩ Hoàng Văn Chuyền nhấn mạnh, khi bị chó cắn không nên làm những điều sau: Không đắp, sát bất cứ loại lá nào lên vết thương. Không chữa dại bằng thuốc Đông, thuốc Nam hoặc thuốc lá. Không kiêng cữ tắm rửa vệ sinh cơ thể mỗi ngày.

Để chủ động phòng ngừa bệnh dại bên cạnh việc ngành Y tế tích cực tuyên truyền giáo dục sức khỏe: Cung cấp những thông tin cần thiết và cách phòng chống bệnh dại. Đặc biệt là việc phát hiện súc vật bị bệnh dại, cách xử lý sau khi bị súc vật cắn hoặc tiếp xúc... Người dân cần lưu ý tránh cho trẻ nhỏ chơi với động vật, nhất là chó, mèo đi lạc; dạy trẻ tránh xa các động vật hoang dã như mèo, dơi, gấu trúc, chồn hôi, khỉ, cáo…; Nhà có vật nuôi như chó, mèo cần chủ động tiêm chủng cho chúng, không cho chúng chạy rong bên ngoài vì rất dễ lây nhiễm mầm bệnh.

Phương Thào

Đánh giá mục này
(0 bỏ phiếu)
Đọc 374 lượt xem
Đăng nhập để gửi bài bình luận

 

 

Cổng thông tin điện tử Sở Y tế tỉnh Bắc Kạn

Tên cơ quan chủ quản: Sở Y tế tỉnh Bắc Kạn

Điện thoại :(+84).2093.870.580 - Fax : (+84).2093.873.585 

Địa chỉ: Tổ 7B - phường Đức Xuân - thành phố Bắc Kạn - Tỉnh Bắc Kạn

Địa chỉ mail: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

Trưởng Ban biên tập: TTƯT. Tạc Văn Nam - Giám đốc Sở Y tế

Chung nhan Tin Nhiem Mang